Để giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình, chính sách để thực hiện các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về khoa học - kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nông dân. Tỉnh cũng huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong đó có nguồn lực rất lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Từ ngày 19-27/7, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc giải ngân dự án chăn nuôi bò vỗ béo cho 5 thôn gồm: Mã Pì Lèng, Pả Vi Thượng, Pả Vi Hạ, Há Súng và thôn Kho Tấu. Tổng cộng có 132 hộ nông dân ở 5 thôn được hỗ trợ với số tiền trên 2 tỷ đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ vay 15 triệu đồng, thời gian cho vay là 18 tháng. Sau 18 tháng các hộ dân sẽ trả lại nhà nước 35% số vốn được hỗ trợ vay, 65% còn lại các hộ được hưởng.

Các hộ tham gia lần này đều được xã thẩm định về các điều kiện để chăn nuôi như chuồng trại, con giống, diện tích đất trồng cỏ, có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò…

Gia đình ông Giàng Phái Sà, thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, là một trong những hộ dân được hỗ trợ bò vỗ béo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Có bò, gia đình tập trung chăm sóc. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò vàng bản địa truyền thống, từ một con bò, đến nay gia đình đã phát triển được thêm 2 lứa bê con khoẻ mạnh.

Việc chăn nuôi bò giúp cuộc sống của gia đình bớt khó khăn hơn trước. Từ kinh nghiệm của bản thân và gia đình, ông Sà đã chia sẻ cách chăm sóc đàn bò, kỹ thuật chăn nuôi cho đồng bào trong thôn Mã Pì Lèng cùng biết và áp dụng.

Cùng với ông Sà, thông qua bình xét, thôn Mã Pì Lèng nơi ông sinh sống có tổng cộng 44 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò vỗ béo từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Từ 44 con giống ban đầu, đến nay toàn thôn Mã Pì Lèng đã có gần 100 con bò được phát triển lên. Số lượng đàn bò tiếp tục tăng theo từng năm bước đầu giúp cho đồng bào yên tâm lao động, sản xuất. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng để các hộ khác noi theo.

W-Giảm nghèo (114).jpg
Có sự đồng hành của Nhà nước, mỗi hộ nghèo càng có động lực cố gắng.

Anh Cứ Chứ Pó, thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, chia sẻ việc Nhà nước hỗ trợ bò để bà con phát triển kinh tế rất phù hợp với nhu cầu của người dân nghèo. Khi có bò rồi, những hộ gia đình như anh Pó, ông Sà còn được cán bộ xã đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên người dân càng yên tâm hơn.

"Mỗi hộ nghèo như tôi cũng sẽ nỗ lực, cố gắng chăm sóc thật tốt đàn bò để sau 2 năm nữa sẽ trả lại một phần kinh phí cho nhà nước như đã cam kết", anh Pó phấn khởi nói.

Cũng tại huyện Mèo Vạc, xã Cán Chu Phìn hai năm nay cũng ghi nhận nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Với xã nghèo này, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vừa là cơ hội, song cũng là động lực để các hộ nghèo trên địa bàn của xã vươn lên. 

Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, xã Cán Chu Phìn đã thực hiện giải ngân dựa trên kết quả nghiệm thu; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhân dân, đồng thời khơi dậy ý chí vươn lên của các hộ gia đình. Nhờ đó, trong năm 2023, xã đã có 6% hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã có 1.242 hộ; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76%; trong năm 2024 xã đề ra mục tiêu giảm 7,5% số hộ nghèo.

Ông Thào Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, khẳng định hỗ trợ sinh kế để tạo việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nghèo là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo địa phương khẳng định quá trình triển khai dự án hỗ trợ, xã đã thực hiện tốt các khâu để tiến hành giải ngân nguồn vốn theo quy định. Từ việc rà soát đối tượng hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đến mục tiêu tăng số lượng con giống hỗ trợ đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hơn cho đồng bào. 

"Mỗi hộ gia đình có điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực khác nhau nên việc hỗ trợ cần có lộ trình, phải phù hợp", ông Sơn nói. Thời gian tới, xã Pả Vi tiếp tục đề cao quá trình tìm hiểu kĩ nhu cầu người dân đang cần gì nhất và cần những điều kiện nào để thoát nghèo. Từ đó, xã sẽ tham mưu và tìm cách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả, giúp hộ nghèo nơi vùng khó thoát nghèo bền vững.

Nhờ dự án chăn nuôi bò vỗ béo, người dân trên địa bàn xã Pả Vi và huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Việc hỗ trợ hiệu quả cũng sẽ là điểm nhân rộng để các hộ nghèo khác có hướng phấn đấu vươn lên.