Khai phá “vùng đất mới”

Tại Hội thảo “CPTPP-Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16 % so với năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.

{keywords}
CPTPP tạo ra nhiều "vùng đất mới" cho hàng Việt Nam

Đáng chú ý là xuất khẩu sang hai nước Canada và Mexico tiếp tục có mức tăng trưởng dẫn đầu trong khối thị trường CPTPP (đạt 4,4 tỷ USD tại Canada và 3,17 tỷ USD tỷ USD tại Mexico), tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung 7%. Những con số này khẳng định, CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng.

Bốn quốc gia châu Mỹ thành viên của CPTPP gồm Canada, Mexico, Chile và Peru đều là thành viên của những Khối thương mại, FTA và Liên minh thuế quan có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việt Nam có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường hơn 1 tỷ dân của Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 13% (đạt 1,13 tỷ USD); Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD); Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD).

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong CPTPP và đặc biệt là khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường. Để có thể hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu sang thị trường thành viên CPTPP, doanh nghiệp vẫn đang gặp một số khó khăn lớn như vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường...

Đại diện DN Winbridge Business Group đến từ Mexico chia sẻ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, giao dịch thương mại song phương giữa Mexico và Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là chiều nhập khẩu của Mexico từ Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Mexico có thể được coi là thị trường đầy tiềm năng, là cửa ngõ lớn để nhập khẩu hàng hóa Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường khu vực châu Mỹ.

“Sau khi Việt Nam và Mexico cùng tham gia vào CPTPP, chính phủ hai nước cũng đã có rất nhiều những sáng kiến để tăng cường thúc đẩy hơn nữa sự tiếp cận thị trường lẫn nhau. Mexico đưa ra những giải pháp hỗ trợ về hậu cần, bao gồm về các vấn đề về pháp lý cũng như tư vấn kế toán tài chính nhằm giảm chi phí và giảm thời gian cho DN hai bên. Hiệp định CPTPP đang tạo ra những cơ hội rất lớn để thúc đẩy thương mại giữa hai nước, mở ra cơ hội kinh doanh và cơ hội mở rộng thị phần cho các DN”, vị đại diện Winbridge Business Group cho biết.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada thông tin, dù là quốc gia với diện tích lớn thứ hai trên thế giới, nhưng Canada chỉ có khoảng 37 triệu dân, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vào khoảng 870 tỷ USD/năm với tỷ lệ nhập siêu không đáng kể. 

“Xu hướng tiêu dùng của thị trường Canada rất đa dạng, bởi vì đây là một đất nước có sự tồn tại của rất nhiều người châu Á, nên nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng nói chung và của Việt Nam nói riêng vô cùng phong phú. Canada cũng đang theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại và đa dạng hóa thương cho nên đây là tiềm năng lớn mà các DN Việt Nam có thể tiếp cận”, bà Hương cho biết.

{keywords}
Thị trường CPTPP vẫn còn khá xa xôi với hàng Việt Nam

Tiềm năng còn lớn

Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico cho hay, thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico vẫn là chủ yếu vẫn là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng thủy sản,  giày dép dệt may… Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Mexico linh kiện điện tử, sắt thép,  máy móc. Để các DN hai nước tận dụng được những cơ hội do CPTPP mang lại, về lâu dài các DN của Việt Nam phải tính toán để có thể phát triển các kênh phân phối trong khu vực châu Mỹ.

“Hệ thống các công ty, tập đoàn của Mỹ và Mexico có rất nhiều văn phòng đại diện tại các nước trong khu vực châu Mỹ nên họ có thể thể thông qua các văn phòng này để nhập khẩu hàng hóa. Để thúc đẩy thương mại của Việt Nam tại các nước khu vực châu Mỹ, rất cần thiết tạo lập các cơ quan xúc tiến thương mại để tiếp xúc và thúc đẩy các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ”, ông Khang nói.

Bà Đỗ Thị Thu Hương chia sẻ: Các DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt những ưu đãi trong khuôn khổ của CPTPP. Đặc biệt là những ưu đãi thuế nhập khẩu có thể tác động trực tiếp đến cơ chế giá giữa người mua và người bán nên coi đó là cơ sở để đàm phán với đối tác.

Ngoài ra, các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP là rất mới và rất phức tạp, nên các DN cần đầu tư nhân lực để tìm hiểu quy tắc, thủ tục chứng minh xuất xứ để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Các cơ quan quản lý cần thúc đẩy thêm các công cụ trực tuyến, những hội thảo và hướng dẫn chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng ngành hàng để các DN đều có thể tìm hiểu và tra cứu thông tin

Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào 30 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.

Hà Duy