- Sau loạt bài trên báo
VietNamNet và các kênh thông tin đại chúng khác, với sự chỉ đạo quyết liệt của
Chính phủ và các cấp, ngành liên quan, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà
Tĩnh) đã có bước chuyển biến.
Những tín hiệu tích cực đã được “phát” đi từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV, Vinacomin), cổ đông chi phối của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC).
TKV cam kết khắc phục tồn tại, cam kết đẩy nhanh
Ngày 12/1, Tổng giám đốc Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn và các thành viên đã vào Hà Tĩnh, đến với chính quyền và nhân dân 6 xã bị ảnh hưởng nặng nề từ mỏ sắt trao tặng 1.500 suất quà (trị mỗi suất 450.000 đồng) cho bà con.
Sau 5 năm chịu biết bao khổ sở từ
việc triển khai thực hiện dự án khai thác sắt, giờ đây họ mới được đón nhận sự
quan tâm chia sẻ chính thức từ “nhân vật chính” của dự án.
:TKV trao quà tết cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng và đại diện chính quyền một số xã. |
Người dân cũng cảm thấy được an ủi phần nào để tiếp tục “chờ đợi, hy vọng” vào những kết quả của dự án này.
Ông Lê Minh Chuẩn cho biết: Ngay sau khi hoàn tất việc tái cơ cấu cổ đông theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, TKV sẽ chỉ đạo TIC triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trước đây.
Đặc biệt là sẽ có giải pháp kịp thời giải quyết những khó khăn của người dân vùng bị ảnh hưởng.
Tiếp đó, TKV đã có phiên báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh tình hình triển khai thực hiện dự án “Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê”.
Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Chuẩn thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện dự án nên đã gây không ít khó khăn cho bà con nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Ông Chuẩn cho hay: “Một trong những lý do khiến cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không đươc triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu là do ban đầu, nhiều nhà đầu tư tưởng dự án này dễ làm nên tham gia ngay. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, họ đã “ngãng” ra, rút lui và không tiếp tục góp vốn nữa.
Theo tôi, phải xác định được đây
là 1 dự án khó để xác định thế đứng và lộ trình khai thác phù hợp”.
Người dân khu vực Mỏ sắt Thạch Khê đang mòn mỏi chờ đợi những gì tốt đẹp sẽ đến với họ khi nhường đất cho dự án. |
Ông Chuẩn hứa: “Với tư cách được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì và khi trở thành cổ đông chi phối, TKV cam kết sẽ khẩn trương thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả. Dù khó khăn, TKV vẫn sẽ xác định ưu tiên vốn cho dự án này.
Khi có tiền, sẽ chỉ đạo TIC ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, đảm bảo đời sống dân sinh vùng moong mỏ”.
Lấn biển
Ngày 13/1, Công ty TIC đã tổ chức
báo cáo thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ
Thạch Khê với UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được Công ty CP mỏ
Ghiproruda – CHLB Nga chủ trì thực hiện năm 2007 và đã được các cơ quan chuyên
môn trong và ngoài nước thẩm định; được Hội đồng quản trị (HĐQT) TIC phê duyệt
ngày 24/11/2008.
Ông Hồ Đức Bình, TGĐ TIC thuyết minh báo cáo kỹ thuật, tổng dự toán điều chỉnh. |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án có nhiều yếu tố không còn phù hợp điều kiện thực tế, vì vậy, HĐQT TIC đã ký hợp đồng lập thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Theo báo cáo của các đơn vị tư vấn, diện tích quy hoạch mỏ và diện tích moong khai thác vẫn giữ như cũ (diện tích quy hoạch mỏ 3.877 ha, diện tích moong khai thác 527 ha), chỉ điều chỉnh trữ lượng khai thác và thiết kế khai thác mỏ.
Cụ thể, trữ lượng quặng khai thác trong biên giới khai trường là 370 triệu tấn. Công suất thiết kế và thời gian khai thác mỏ được xác định như sau: giai đoạn 1 (2011-2021): 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 (2022-2051): 10 triệu tấn/năm.
Với trữ lượng khai thác và công suất thiết kế mỏ như trên thì tuổi thọ mỏ là 51 năm (kể cả thời gian xây dựng cơ bản 6 năm).
Về bãi thải, theo thiết kế cũ, toàn bộ đất, đá thải được đổ vào các bãi thải phía trong đất liền, nhưng theo thiết kế điều chỉnh mới, sẽ sử dụng cả bãi thải trong đất liền và bãi thải lấn biển. Khối lượng đất đá thải ra biển khoảng 150 triệu m3 trên diện tích 923 ha.
Phương án bãi thải lấn biển này sẽ được sử dụng vào giai đoạn 2 (tính từ năm khai thác thứ 8 trở đi). Về vấn đề tháo khô và thoát nước mỏ, sẽ sử dụng hệ thống lỗ khoan bố trí xung quanh khai trường theo từng giai đoạn và theo từng tầng địa chất cụ thể.
Về tổng vốn đầu tư đã có sự thay đổi lớn so với trước. Cụ thể, tổng mức đầu tư hơn 22,3 nghìn tỷ đồng (cũ 9.932 tỷ đồng) trong đó, chi phí bồi thường, GPMB – TĐC là 6.500 tỷ đồng (cũ 3.478 tỷ đồng).
Theo ông Hồ Đức Bình - Tổng GĐ TIC, việc huy động vốn sẽ do chủ sở hữu đóng 30%, còn lại 70% sẽ huy động từ các nguồn vay khác.
Ông Nguyễn Nhật – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, đây là 1 dự án lớn, có tầm ảnh hưởng rất lớn và việc triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy, yêu cầu đơn vị tư vấn cũng như TIC tham khảo, tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, các nhà khoa học để điều chỉnh thiết kế kỹ thuật đầy đủ, chính xác, khoa học đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế - ANQP và môi trường bền vững.
>> Mỏ sắt lớn nhất ĐNA: Do đã quá kỳ vọng?
>> Không được để dân đói vì mỏ sắt
>> Dấu hỏi lớn về mỏ sắt Thạch Khê
>> 'Nhìn thẳng sự thật' ở mỏ sắt lớn nhất ĐNA
>> 'Sống dở chết dở' tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
Thăng Long - Duy Tuấn