Nhà chức trách Canada vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Huawei, vì nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Bà cũng là ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Theo công tố viên, bà Mạnh có thể đối mặt với tội danh âm mưu lừa gạt nhiều tổ chức tài chính và mức án tối đa là 30 năm tù cho mỗi tội danh.
Với người Mỹ, Huawei có thể không phải cái tên quen thuộc. Tuy nhiên, đây là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai sau Samsung và là nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Vụ bắt giữ đe dọa gây thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ Trung. Trung Quốc đã yêu cầu Canada “thả ngay lập tức” bà Mạnh.
Dưới đây là những gì bạn cần biết về Huawei, bà Mạnh Vãn Châu và vụ bắt giữ này:
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei |
Huawei là công ty công nghệ khổng lồ sản xuất dịch vụ viễn thông, công nghệ doanh nghiệp, thiết bị tiêu dùng. Công ty đang bán sản phẩm tại hơn 70 quốc gia. Năm 2017, doanh thu Huawei đạt 93 tỷ USD, ngang bằng Microsoft. Đây là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai sau Samsung.
Huawei được ông Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987, ngày nay ông vẫn là Giám đốc công ty. Trụ sở Huawei đặt tại Thẩm Quyến, Trung Quốc; có khoảng 180.000 nhân viên khắp thế giới, chỉ riêng thủ phủ đã có 60.000 nhân viên.
Trước khi mở Huawei, ông Nhậm là một kỹ sư của quân đội Trung Quốc. Ông nổi tiếng như một doanh nhân yêu triết học, thích tục ngữ và chủ nghĩa tượng trưng. Một ví dụ về sự triết lý của ông Nhậm: trụ sở Huawei nuôi một số con thiên nga đen trong hồ nước đặc biệt. Chúng đại diện cho “sự không tự mãn trong văn hóa doanh nghiệp”.
Bà Mạnh Vãn Châu |
Smartphone Huawei đặc biệt phổ biến trên toàn cầu và đánh bại doanh số iPhone nhờ giá rẻ, tính năng mạnh mẽ. Công ty luôn cố xâm nhập thị trường Mỹ nhưng giao dịch với AT&T đầu năm nay đã bị hủy bỏ. Hiện tại, Huawei chưa tìm ra được đối tác nào khác muốn phân phối smartphone của hãng, một phần vì áp lực từ nhà chức trách Mỹ. Điều đó hạn chế dấu chân của Huawei tại Mỹ.
Các nhà lập pháp Mỹ từ lâu xem Huawei là nguy cơ an ninh do quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Một số đưa ra giả thuyết điện thoại và thiết bị Huawei có thể bị lợi dụng để gián điệp quan chức Mỹ. Huawei liên tục bác bỏ các cáo buộc này. Tuy nhiên, lo ngại của Mỹ với Huawei không dừng lại ở đó. Quan chức liên bang Mỹ được cho là đã điều tra công ty Trung Quốc từ năm 2016 vì xuất sản phẩm từ Mỹ sang Iran, vi phạm luật thương mại và các biện pháp trừng phạt.
Bà Mạnh Vãn Châu |
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung vốn đã không êm ấm trước vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei. Hai chính phủ khóa chân nhau trong chiến tranh thương mại và đánh thuế hàng tỷ USD hàng hóa quan trọng. Tuần này, bà Mạnh Vãn Châu, ái nữ của ông Nhậm Chính Phi, bị Canada bắt giữ. Bà gia nhập Huawei năm 1993, nay là Giám đốc Tài chính kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.
Bà bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Theo báo chí, bà bị nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà về Mỹ. Ngay lập tức, vụ việc làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngay vào lúc lãnh đạo hai nước dường như đang đi đến một số thỏa thuận. Theo New York Times, nó đáp ứng một loạt mục tiêu đối ngoại lớn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong đó có cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ và các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Truyền thông Trung Quốc cũng bắt đầu tấn công Mỹ. Bà Mạnh bị bắt vào ngày 1/12 và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ. Cùng ngày, Tổng thống Trump đã ngồi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Argentina để thảo luận về chiến tranh thương mại giữa hai nước. Quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump không biết về yêu cầu dẫn độ. Một bài báo trên China Daily, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, cho rằng vụ bắt giữ là một phần trong kế hoạch kìm chế tăng trưởng của Huawei từ phía Mỹ. Global Times, cũng là một tờ báo của nhà nước, nói Washington đang dùng phương pháp tiếp cận “đáng khinh” vì không thể ngăn cản bước tiến 5G của Huawei trên thị trường.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu thả bà Mạnh và tuyên bố bà bị bắt giữ mà không có giải thích về tội danh là vi phạm nhân quyền. Huawei bác bỏ mọi hành động sai trái của bà Mạnh, đồng thời khẳng định công ty tuân thủ pháp luật và quy định tại mọi nước hoạt động, bao gồm cả lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu tại Liên Hợp Quốc, châu Âu và Mỹ.