Livestream cho khách ngồi nhà xem dự án
Theo thống kê hệ thống của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 môi giới, TP.HCM đông nhất là 90.000 môi giới, trong đó Hà Nội có khoảng 60.000 – 70.000, còn lại là ở các tỉnh khác. Do đó, tính cạnh tranh trong nghề môi giới là rất mạnh, nếu không thực sự có năng lực sẽ bị đào thải; nhất là khi thị trường hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Anh Vũ Kiên - môi giới của một sàn bất động sản có tiếng ở Hà Nội cho biết, hiện không phải tất cả mọi người đều có tâm lý lo ngại dịch bệnh mà ngừng giao dịch, mua bán bất động sản. “Nếu có dự án tốt, chất lượng đảm bảo, nhiều tiềm năng thì khách hàng vẫn quan tâm và giao dịch, chỉ có khác là giờ ai cũng phải đeo thêm chiếc khẩu trang khi đi xem đất”, anh Kiên nói.
Môi giới tận dụng công nghệ để livestream dự án, quay video phục vụ khách hàng từ xa “chiêm ngưỡng” sản phẩm... |
Chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn này của thị trường, anh Kiên cho hay môi giới cần phải linh hoạt và chăm chỉ, chịu khó hơn. Nếu như trước đây, mỗi dự án đều có buổi mở bán mời khách hàng đến thì nay do dịch bệnh mà các buổi tổ chức đông người không thực hiện nữa. Thay vào đó, môi giới chọn cách dẫn từng khách lẻ đi xem nhà đất.
“Thường trước đây công ty sẽ thuê xe và lên lịch để dẫn khách mua nhà theo đoàn đi xem dự án; còn hiện nay môi giới chúng tôi chọn cách mời khách lên xe máy của mình để chở đi. Với cách này mặc dù môi giới có vất vả hơn nhưng "đánh" trúng tâm lý khách hàng khiến họ yên tâm hơn và khách hàng nào có nhu cầu thực sự thì họ mới đi xem, như vậy càng có tiềm năng cao”, anh Kiên cho hay.
Ngoài việc sẵn sàng dùng xe máy của mình để chở khách đi xem dự án, anh Kiên còn cho biết, anh luôn mang sẵn khẩu trang và nước rửa tay khô để phục vụ cả cho mình và cho khách hàng trên hành trình đi xem nhà đất trong mua dịch bệnh này.
Chị Thanh Hương, quản lý một sàn giao dịch ở Mỹ Đình cho biết, trong đợt dịch này, nhiều sale còn linh hoạt chọn cách livestream giới thiệu dự án cho khách hàng có nhu cầu. Nếu khách quan tâm căn hộ nào đó mà chưa có thời gian đi xem ngay, sale sẵn sàng tư vấn tận tình, quay video từng căn hộ để gửi tới khách hàng.
Theo chị Hương, đây là một trong những cách làm hay mà môi giới chia sẻ nhau cùng làm để bán hàng trong mùa dịch này. Môi giới không thể chỉ bán hàng bằng “nước bọt” mà thực sự phải có kỹ năng, nhanh nhạy và đặc biệt hơn phải khiến khách hàng cảm thấy yên tâm. Muốn vậy, dự án phải có hồ sơ pháp lý rõ ràng đưa cho khách hàng xem, chất lượng dự án và uy tín của chủ đầu tư cũng là yếu tố không thể thiếu để khách hàng quyết định xuống tiền mua nhà đất.
Theo quan sát trên thị trường hiện nay, nhiều chủ đầu tư cũng vượt khó để ra hàng phục vụ thị trường. Như tại Hà Nội, một số dự án chung cư ở khu vực phía Tây cũng sắp được mở bán với quy mô 5 tòa tháp căn hộ, hay hàng loạt dự án nhà ở xã hội ở Thanh Trì, Đại Mỗ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm cũng đã và đang được tiếp nhận hồ sơ mua nhà.
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, hàng nghìn căn hộ chung cư cũng đã được nhiều chủ đầu tư bung hàng. Song song với việc bán hàng, có doanh nghiệp còn áp dụng các ứng dụng proptech vào lĩnh vực dịch vụ bất động sản.
Theo đó, nhân viên kinh doanh sẽ được làm việc trên ứng dụng di động, ứng dụng này giúp các môi giới và khách hàng có thể tìm kiếm, trao đổi, tiếp cận thông tin bất động sản ở mọi lúc, mọi nơi.
Thị trường “ngách” vẫn có giao dịch tốt
Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, hiện nay thay vì tổ chức sự kiện rầm rộ thì có thể thực hiện bán hàng online, bán hàng qua đại lý vẫn đảm bảo hiệu quả nếu như sản phẩm bán phù hợp với nhu cầu khách hàng. Đây là cơ hội để các chủ đầu tư, môi giới tiếp cận đến những khách hàng có nhu cầu ở thật, tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực doanh nghiệp.
Theo nhận định của ông Toản, đợt dịch Covid-19 mặc dù cũng gây ra một số ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, tuy nhiên không phải ai cũng quá hoang mang về dịch. Khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn đang mong chờ những dự án đáng để xuống tiền.
“Các sản phẩm độc đáo, có tính an toàn về pháp lý và triển vọng tăng giá đón đầu quy hoạch như đất nền có sổ đỏ ở khu vực Hòa Lạc, Đông Anh... hay một số sản phẩm khác như kiot chợ, sàn thương mại tại các chân đế tòa chung cư vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Do đó, thị trường vẫn có giao dịch khá tốt cho mảng thị trường ngách này”, ông Toản cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
Đối với các tập đoàn lớn, Chủ tịch HoREA cho rằng có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Minh Thư
Khi môi giới bất động sản “di cư” theo làn sóng đầu tư
“Nam tiến” là lựa chọn của nhiều môi giới bất động sản phía Bắc với hy vọng đổi đời.