Luật sư tư vấn:

Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 quy định tại Điều 38. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp

2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Theo quy định tại Luật Căn cước công dân, CMND vẫn còn hiệu lực sử dụng, nếu chưa có nhu cầu cấp thiết để đổi vẫn có thể dùng CMND cho các thủ tục hành chính. Khi hết thời hạn hoặc khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.

CMND chỉ có 9 số, còn CCCD 12 số theo Nghị Định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Điều 13. Cấu trúc số định danh cá nhân

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Vì vậy đổi thẻ CCCD thì sẽ phải thay đổi dãy số gồm 12 số. Một số tỉnh triển khai cấp CMND 12 số trước khi luật CCCD ra đời năm 2016 nên rất nhiều trường hợp CMND có 12 số chứ không phải CMND chỉ có loại 9 số. Như vậy, thủ tục cấp CCCD là cấp mới, không phải là cấp đổi.

Ngoài ra, khi nhận thẻ CCCD gắn chip mới bạn sẽ được cơ quan Công an cấp thêm tờ giấy xác nhận thay đổi số CMND 9 số qua CCCD 12 số. Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân

Điều 15. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân

Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp, sau đó tiến hành như sau:

1. Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:

a) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Ngay sau khi nhận Chứng minh nhân dân đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân;

b) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.

2. Đối với Chứng minh nhân dân 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.

3. Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân.

Trong tương lai, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có máy quét thẻ chip có thể cập nhật được sự thay đổi về số.

Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Công an làm thẻ căn cước gắn chíp thâu đêm cho người dân Hà Nội

Công an làm thẻ căn cước gắn chíp thâu đêm cho người dân Hà Nội

Công an các quận, huyện ở Hà Nội đang căng mình cấp thẻ căn cước công dân gắn chip theo 3 ca (sáng, chiều và tối) cho người dân. Thậm chí, nhiều nơi tăng ca làm đến 1h sáng hôm sau.