- Với dân số khoảng 10 triệu người, Hà Nội tiêu thụ 1.000 tấn thịt/ngày, hơn 3.000 tấn rau, 600 tấn hải sản nhưng công tác kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại buổi tọa đàm "Chống thực phẩm bẩn - 'cuộc chiến' bắt đầu từ cơ sở" chiều nay tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hơn nửa năm qua, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã áp dụng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường nhưng do chợ cóc quá nhiều, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc khác cộng thêm tâm lý nể nang họ hàng nên hoạt động thanh tra chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản Hà Nội dẫn chứng thêm, với khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 1.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn rau, 600 tấn hải sản với khoảng gần 18.000 cơ sở kinh doanh, cán bộ rải ra như "muối bỏ bể" nên việc đảm bảo ATTP vẫn còn hạn chế.

Để khắc phục, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cho biết thời gian tới sẽ tăng thanh tra, đặc biệt tăng cường thanh tra đột xuất, tăng cường xử lý các vi phạm, tạo tính răn đe.

Tại Hà Nội, theo kế hoạch trong năm nay sẽ tập trung quản lý phụ gia thực phẩm, tiến hành khảo sát tất các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn để xây dựng kế hoạch thanh tra.

Với thực phẩm tại các chợ, siêu thị, Hà Nội đang trình kế hoạch mua thêm một số xe kiểm nghiệm lưu động để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm tồn dư trong thịt. Mỗi xe lưu động có giá gần 2 tỷ đồng.

"Những xe này để test nhanh thực phẩm, hiện Hà Nội và TP.HCM mỗi nơi chỉ có 1 xe. Dựa vào kết quả sàng lọc ban đầu, các mẫu thực phẩm dương tính sẽ được chuyển tiếp đến các phòng kiểm nghiệm chuyên sâu để phân tích, lấy đó làm cơ sở xử lý vi phạm", ông Tiệp cho biết.

T.Hạnh