- Tôi ngạc nhiên về độ “nóng” của câu chuyện một cô gái trẻ tham gia một trò gameshow trên truyền hình đã không thể trả lời hai câu hỏi liên tiếp liên quan đến một hiện tượng thời tiết El Nino và món canh dân dã cổ truyền vùng thâm canh lúa nước: canh cua! 



Đầu tiên là sự xuất hiện những bài báo chê bai! Thổi lên sự nổi giận đến mức mắng mỏ, mắng chửi và trù ẻo cô gái ấy một cách không tiếc lời khiến tôi có cảm giác như sự thiếu khuyết 1 vài kiến thức phổ thông của cô gái trẻ làm bất an xã hội nhiều hơn là tệ nạn tham nhũng, nợ công tăng cao, hay thảm họa môi trường Fomosa… Mà thực ra, điều ấy có chăng chỉ khiến cô ấy lúng túng và gặp khó khăn cho chính bản thân cô ấy thôi! 

Rồi nữa, lại chính là báo chí bênh vực kiểu: cô ấy không giỏi nấu canh cua mới lại thiếu kiến thức xã hội phổ thông nhưng cô ấy giỏi chuyên môn, nếu cô ấy đố bạn một chi tiết máy, chắc bạn tịt mít! Kiểu bênh vực rất ngụy biện ấy, lấy thế mạnh kiến thức chuyên môn để khỏa lấp sự thiếu hiểu biết kiến thức phổ thông… thì nó chỉ càng làm bùng thêm sự giận dữ. 

Có vẻ như tâm thái xã hội lúc này đang rất giận dữ, bức bối… nên hễ có một khiếm khuyết nào xảy ra càng ở những cá nhân thấp cổ bé họng càng dễ bị mắng mỏ (có lẽ mắng những người có vị thế xã hội là rất khó, rất nhạy cảm và thậm chí là gặp rắc rối!).

2 – Tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn bè, người quen từng học thạc sĩ, tiến sĩ.. cho cả chai nước đầy vào ngăn làm đá của tủ lạnh… cho đến khi dung dịch trong chai thành đá, nở ra, xé toác cả chai thì họ há hốc mồm kinh ngạc! 

Tôi nghĩ, đó cũng là do họ “quên” kiến thức hóa – lý phổ thông mà. Ai cũng có lúc bị quên, bị thiếu hụt, bị nhầm lẫn kiến thức phổ thông cơ bản… Tất nhiên, nếu tình trạng thiếu hụt quá thường xuyên, thành xâu chuỗi thì nó nói lên nền tảng văn hóa người đó có vấn đề. 

3- Nếu bất thần, có ai đó hỏi cô con gái của tôi “canh cua nấu với gì?” hẳn là cô ấy sẽ rất lúng túng. Đơn giản, vì trong cuộc sống hàng ngày, trong tập quán nấu ăn hàng ngày, từ lâu, tôi loại món canh cua cổ truyền đó ra khỏi danh mục ưu tiên vì mấy nguyên nhân sau: 

-Canh cua là món ăn truyền thống của cư dân vùng chiêm trũng thâm canh lúa nước từ nghìn năm nay, khi mà thức ăn, thực phẩm còn là quảng canh tự cung tự cấp; khi mà đồng ruộng chưa bị nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật. 

Ngày nay, khoa học ứng dụng đã cho biết những thông tin bổ ích rằng, con cua đồng hoang dã nguy cơ mang rất nhiều mầm bệnh, trong đó nhiều nhất là sán và ấu trùng sán. Do đó, để có được bát canh cua ngon và lành, người mẹ phải chọn từng con cua sao cho đủ tám cẳng hai càng (tức là cua khỏe, không phải cua chết ôi thối, cua bệnh) phải kiểm tra xem nó có nhiễm sán hay không? Nhiễm độc kim loại nặng không, vì cua sống ở tầng nước đáy? Kiểm tra đủ 20 -30 con cua, rồi tách mai, rồi giã rồi lọc rồi khều gạch từng chút rồi chưng rồi nấu… thật nhiêu khê, mất thời gian mà thành phần dinh dưỡng không khác biệt gì so với các món canh khác. Chưa kể là nguy cơ nhiễm sán. Chưa kể, thời nay, cua cũng được nuôi bằng thức ăn công nghiệp trong bể xi – măng. 

- Nhiêu khê trong chế biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn là dinh dưỡng, nên tôi loại món canh này ra ngoài cơ chế bữa ăn gia đình để bớt thời gian làm bếp, bớt hiểm họa nhiễm ấu trùng ký sinh và kim loại vào cơ thể. 

Tất nhiên, tôi là mẹ mà không hay chế biến, không truyền cảm hứng cho con gái… thì đương nhiên, con gái tôi cũng không có thói quen và kiến thức cơ bản để nấu món này. Hoặc nếu đã từng thưởng thức một vài lần ở đâu đó, cô ấy vẫn có thể quên công thức. 

Tất nhiên, không vì thiếu kiến thức về món canh cua, mà con gái tôi thiếu bản sắc “người Việt Nam”. Ngược lại, bên cạnh việc làm bánh ngọt kiểu Pháp, nấu món mì Ý, món súp cá hồi kiểu Mỹ, món Mexico, cô ấy biết làm món nem cuốn cánh phượng, món phở thanh tao kiểu Hà Nội, món bún thang, vân vân…. Do đó, đừng vì món canh cua mà giận dữ thái quá mắng mỏ rằng “không biết nội trợ thì thằng nào rước là rước họa”. 

Thực ra, một thiếu khuyết nào đó khi phát lộ sẽ dễ được sửa chữa nếu người đó có kiến thức nền tảng và có động lưc có mong muốn sửa chữa. Tôi tin rằng, nếu cô gái ấy tương lai là vợ một người thích ăn canh cua, thì chỉ vài tháng hay vài năm sau, cô ấy sẽ thành chuyên gia về món đó. Tin tôi đi, rằng những kỹ năng cơ học không quá khó để khắc phục đâu. 

4 - Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất, đó là vì sao một nữ kỹ sư lại thiếu tư duy phương pháp luận?

Bản thân format của gamesshow đó là tìm câu trả lời theo phương pháp loại trừ. 

Với cách đưa ra câu hỏi và cách trả lời bằng phương pháp loại trừ (4 phương án – chọn 1) đã cho thấy cuộc chơi dễ thở hơn rất nhiều… nếu không có phương án loại trừ.

Phương pháp tìm câu trả lời bằng cách loại trừ phương án sai, cũng được áp dụng trong nhiều format thi chuẩn hóa. Nó giúp tư duy người dự thi mở rộng lĩnh vực, loại trừ dần những phương án chắc chắn sai để giữ lại phương án khả dĩ nhất. Nhiều khi, người trả lời đúng, chưa hẳn đã hiểu, đã trải nghiệm… nhưng nó minh chứng khả năng suy luận và khả năng phán đoán loại trừ phương án sai của chủ thể là tốt. 

Trong cuộc sống càng cần chúng ta rèn luyện phương pháp tư duy “loại trừ” trong những tình huống cần sự quyết định mà không phải bao giờ bạn cũng biết hết mọi dữ kiện cuộc sống. 

Rèn luyện tư duy “chọn đúng bằng cách loại trừ sai” nên là một kỹ năng cần thiết mài sắc, khởi động tư duy, sẵn sàng tư duy, sẵn sàng đưa ra phán đoán và can đảm lựa chọn đáp án… 

Tôi nghĩ, nếu cô gái trẻ hành động như thế, thì dù chọn sai… cô ấy cũng không khiến người xem ấm ức. 

Cái ấm ức có lẽ nó ẩn sâu bên trong mà chưa diễn đạt rõ, đó là bạn trẻ đã không can đảm đưa ra chủ kiến, suy luận của mình để thể hiện tinh thần tự chịu trách nhiệm cao, thay vì miệng không ngớt thốt lên câu cảm thán "Ôi sao khó thế!" và cậy nhờ sự trợ giúp. 

Cuối cùng, mọi sai khuyết của cá nhân, mang tính cá nhân, nếu không ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cộng đồng và quốc gia, chỉ có thể được bồi đắp, cuộc sống chỉ trở nên đẹp đẽ khi cộng đồng nhìn nhận nó trong cái nhìn bao dung, khoan hòa và đầy lòng vị tha. 

Hơn thế nữa, đó là một thái độ đón nhận sự khác biệt để chung sống an vui!

Hồ Thị Hải Âu