Trả lời sau khi được Quốc hội phê chuẩn, rằng điều gì làm ông “lo lắng nhất” trong thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định đó là “xây dựng thể chế”. Ông nói: “Điều làm tôi quan tâm, lo lắng và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại bộ, xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Mối quan tâm đó, nói đúng ra, chính là “món nợ” của ngành công thương, ngành quản lý hai lĩnh vực lớn bao trùm nền kinh tế là công nghiệp và thương mại. Bất kỳ chính sách nào của ngành mà cởi trói, hỗ trợ thì thị trường phát triển, doanh nghiệp hồ hởi làm ăn và ngược lại.

Theo chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương xếp thứ 18/19 bộ, ngành. Đó là một thứ hạng yếu. Đây là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người cam kết xây dựng một chính phủ liêm chính và kiến tạo phát triển, lo lắng.

Trong cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với Bộ Công Thương gần đây, ông Phúc chỉ ra rằng, Bộ Công Thương là “một trong số ít” bộ ngành bị kêu ca. Đề nghị Bộ Công Thương chấm dứt cơ chế xin - cho, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, Thủ tướng nói: “Bộ Công Thương phải đi đầu trong cải cách hành chính, tạo nên sức sống mới trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Các đồng chí cần có tư duy mới trong ứng xử với thị trường”.

Tư duy mới trong ứng xử với thị trường của Bộ Công Thương là gì? Điều này được thể hiện tương đối rõ trong một cuộc họp gần đây ở bộ này bàn về hàng loạt vấn đề như kinh doanh gas, kiểm tra formaldehyt và amind thơm, quản lý hóa chất... - những vấn đề đang bị doanh nghiệp phản ánh nhiều trong thời gian gần đây.

Nghị định 19 về kinh doanh khí

Nghị định 19 có hiệu lực từ ngày 15-5-2016. Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết các doanh nghiệp phản ánh năm điều kiện kinh doanh làm khó cho họ, trong đó đáng chú ý nhất là doanh nghiệp kinh doanh khí “phải sở hữu” 100.000 chai LPG (bình gas) loại 12 ki lô gam và “phải sở hữu” bồn chứa LPG (trạm nạp gas) tối thiểu là 300 mét khối. Các doanh nghiệp kiến nghị, cần giảm số lượng chai, cũng như bỏ quy định “phải sở hữu” với bồn chứa.

{keywords}

Nhiều điều kiện kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp kinh doanh gas, trong đó đáng chú ý nhất là doanh nghiệp kinh doanh khí “phải sở hữu” 100.000 chai LPG (bình gas) loại 12 ki lô gam và “phải sở hữu” bồn chứa LPG (trạm nạp gas) tối thiểu là 300 mét khối.


Trong dự thảo thông tư mới, ông Tân đề nghị giảm số bình gas xuống còn 30.000-50.000, và bồn chứa còn 50 mét khối. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh quy định doanh nghiệp “phải sở hữu” thành “có thể sở hữu”, hoặc “đi thuê” trạm nạp gas.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền, phản đối phương án này. Khẳng định các doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô lớn, và hiệp hội gas đề nghị giữ nguyên các điều kiện kinh doanh này, ông Quyền nói: “Ta theo kinh tế thị trường thì Nhà nước phải xây dựng thể chế để tạo lập thị trường. Vì khí là mặt hàng nhạy cảm nên chúng ta cần có chủ thể (doanh nghiệp) vững chắc trên thị trường”. Ông Quyền cho quy định như trong Nghị định 19 nhằm cung ứng cho người dân “ít nhất một tháng”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hỏi luôn: “Vậy tỉnh Hưng Yên thì cần bao nhiêu bình? Anh khảo sát chưa?”, ông Quyền đã không trả lời.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặt câu hỏi: “Tại sao lại ra quy định 100.000 bình và 300 mét khối, mà không phải là 110.000 bình và 350 mét khối? Lý do nào buộc doanh nghiệp phải sở hữu kho chứa?”. Ông Khánh bình luận, quy định như vậy thì chết doanh nghiệp. Ông Khánh nói, ông nghĩ ông Quyền muốn xây dựng thị trường gas có trật tự. “Nhưng tôi không đồng ý. Cần tôn trọng nguyên tắc thị trường, cần có quy định an toàn cho trạm chiết gas để doanh nghiệp có thể sở hữu, hoặc đi thuê... Quy định 100.000 bình và bồn chứa 300 mét khối thì chúng ta không có cách nào lý giải đâu. Tốt nhất là để thị trường quyết định”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Chúng ta theo kinh tế thị trường thì Nhà nước không thể lo mọi chuyện. Anh Quyền nói quy định 100.000 bình và 300 mét khối để đảm bảo nhu cầu của người dân. Vậy có lẽ cũng cần phải quy định ông hàng gạo cần có kho bao nhiêu tấn, không thì tỉnh đó chết đói hay sao?”. Rồi ông khẳng định: “Chính chúng ta đang làm méo thị trường”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét ban soạn thảo Nghị quyết 19 chưa thuyết phục được sự cần thiết của các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 19. Theo ông, “các điều kiện kinh doanh này chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường, không phản ánh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp, và của Chính phủ”. Ông kết luận, không có cơ sở để quy định 100.000 bình gas và bồn chứa 300 mét khối; và không quy định “phải sở hữu” trạm nạp trong nghị định để doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài. Ông cho biết Bộ Công Thương sẽ sớm gửi báo cáo lên Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định 19.

Bỏ kiểm tra formaldehyde với hàng mẫu

Thông tư 37 có hiệu lực từ ngày 15-12-2015 để kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm đối với sản phẩm dệt may. Đây là một trong những quan ngại mà Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nêu ra tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp ngày 29-4-2016. Lấy ví dụ, một miếng vải chỉ 5 mét chuyển từ nước ngoài về để doanh nghiệp may làm mẫu cũng phải qua kiểm tra hàm lượng formaldehyde, ông Giang cho rằng quy định này “thắt chặt doanh nghiệp quá mức, không chịu nổi”.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Pháp chế Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Thông tư 37 “hoàn toàn có cơ sở pháp lý”, vì formaldehyde là chất độc nên phải kiểm tra. Tuy nhiên, ông Tân cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, và đề nghị miễn giảm kiểm tra với sản phẩm làm mẫu. Ông cho biết, Vụ Pháp chế đang soạn thảo thông tư thay thế Thông tư 37 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, và miễn kiểm tra hàng mẫu.

Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ Nguyễn Phú Cường bổ sung thêm: cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có quy định rất ngặt nghèo để hạn chế formaldehyde. Tuy nhiên, ông thừa nhận Việt Nam không có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về formaldehyde, vì vậy, nên căn cứ vào các quy định của châu Âu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, ông biết thông tin kiểm tra hơn 300.000 mẫu mà chỉ phát hiện bảy trường hợp có hàm lượng formaldehyde cao. Ông thừa nhận không ban hành được tiêu chuẩn của Việt Nam về formaldehyde là “lỗi của chúng ta”, và yêu cầu chỉnh sửa Thông tư 37 theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ gặp gỡ Hiệp hội Dệt may và các doanh nghiệp để tham khảo ý kiến trước khi ban hành thông tư mới.

Bỏ khai báo hóa chất

Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh khẳng định, việc doanh nghiệp nhập khẩu phải khai báo hóa chất là nhằm giúp các cơ quan nhà nước hoàn thiện cơ sở quốc gia về hóa chất. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, đây không phải là mục tiêu quản lý. “Anh cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thì anh phải mua của doanh nghiệp, sao bắt họ phải khai báo”, ông Khánh bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nhật Tân, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh là họ đang chịu phiền hà với các thủ tục khai báo khóa chất. Ông giải thích, Luật Hóa chất yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải khai báo, nhưng không có quy định cơ quan nhà nước phải cấp, xét hạn ngạch. Tuy nhiên, nghị định hướng dẫn lại yêu cầu doanh nghiệp khai báo, và phải được các cơ quan nhà nước xác nhận.

Ông Tân nói: “Vụ Pháp chế hiểu, xác nhận này là chứng minh doanh nghiệp đã khai báo, chứ không phải thủ tục cấp phép gì cả”. Ông Tân đưa ra hai phương án. Thứ nhất, nếu bỏ xác nhận từ cơ quan quản lý hóa chất, thì cần sửa nghị định theo hướng thủ tục khai báo này cần nâng cấp thành dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp truy cập vào hệ thống điện tử, có lưu trữ để cơ quan quản lý nhà nước biết mà không cần thủ tục xác nhận nữa. Thứ hai, doanh nghiệp “khai báo với hải quan nhập khẩu, lúc đó ta kết nối với một cửa quốc gia”, ông nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mục tiêu quản lý nhà nước là cần cơ sở dữ liệu nhưng không được gây cản trở kinh doanh. Ông yêu cầu bỏ khai báo hóa chất, và chia sẻ dữ liệu với ngành hải quan. “Tôi đề nghị phải có văn bản trả lời cho cộng đồng doanh nghiệp có thư đề nghị bỏ giấy xác nhận hóa chất”, ông nói. Ông cũng bổ sung: cần tiếp tục xem những vấn đề gì còn tồn tại trong nghị định quản lý hóa chất để đề nghị Chính phủ sửa luôn lần này.

(Theo TBKTSG)