Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Minh cho biết, thị trường sách tranh ở Việt Nam hiện nay ngày càng phát triển. Số lượng sách tranh nhiều hơn và đẹp hơn, đa phong cách và độc đáo hơn. Nội dung cũng mang tính sáng tạo hơn, không chỉ toàn truyện cổ tích mà còn có nhiều câu chuyện dành cho trẻ em mang tính giáo dục, đạo đức.

Thậm chí có những quyển sách tranh chỉ có 2 màu đen – trắng thôi nhưn vẫn đem lại rất nhiều cảm xúc cho trẻ em. Thậm chí trẻ chưa cần biết đọc, chỉ nhìn sách tranh cũng có thể tự suy diễn ra câu chuyện của riêng mình.

Sách tranh 1.jpg
 Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền của Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. Ảnh: B.M

Tuy nhiên, “phần lớn sách tranh trên thị trường Việt Nam hiện nay đều là sách mua mua bản quyền từ nước ngoài. Sách tranh của tác giả Việt Nam với nội dung thuần Việt Nam còn rất hiếm”, ông Minh lưu ý. 

Phân tích lý do của câu chuyện này, ông Minh cho rằng, thứ nhất, thị trường sách tranh Việt Nam còn khá nhỏ, chi phí các nhà xuất bản có thể trả cho họa sĩ còn khiêm tốn, trong khi công sức bỏ ra để thực hiện một cuốn sách tranh hoàn chỉnh khá nhiều. Một họa sĩ nổi riếng ở Anh có sách tranh thuộc diện best-seller (bán chạy) cho hay cô mất hơn 1 năm để sáng tác ra tác phẩm sách tranh, có những bức tranh phải vẽ đi vẽ lại đến 20 – 30 lần, mỗi nhân vật có tới hàng trăm bản nháp với các góc nhìn khác nhau. 

Thứ hai, về họa sĩ, chúng ta đã có nhiều họa sĩ tài năng đã và đang làm việc với các nhà xuất bản lớn của Mỹ, Anh, Pháp… như Thành Phong, Thái Mỹ Phương, Lê Bích Khoa… Song hiện ở Việt Nam vẫn chưa có trường lớp đào tạo chuyên về sáng tác tranh truyện. Một số trường như Mỹ thuật công nghiệp hay Kiến trúc chỉ có môn học sách tranh kéo dài 1 – 2 học kỳ. 

Thứ ba, các đơn vị xuất bản cũng chưa sẵn sàng để xuất bản sách tranh của Việt Nam, khi việc mua bản quyền sách nước ngoài nhanh gọn sẽ giúp kinh doanh tốt hơn.

Sách tranh 3.jpg
Phần lớn sách tranh trên thị trường Việt Nam hiện nay đều là sách mua mua bản quyền từ nước ngoài. Ảnh: B.M

Để cải thiện hiện trạng nêu trên, mới đây, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã phối hợp với Nhà xuất bản Simon & Schuster (Vương quốc Anh) và Pop Up Projects (Tổ chức Phát triển văn học thiếu nhi Vương quốc Anh) tổ chức Khóa học minh họa sách tranh cho thiếu nhi miễn phí tại Hà Nội.

Học viên có cơ hội làm việc với một giám đốc nghệ thuật của nhà xuất bản lớn của thế giới, để biết được cách thức triển khai một cuốn sách tranh theo đúng tiêu chuẩn của Anh, Mỹ…

Để xuất bản một cuốn sách tranh có nhiều vấn đề phải quan tâm, bên cạnh nội dung, tranh vẽ minh họa, còn cả in ấn, phân chia nội dung vào các trang để phù hợp với người đọc… Làm sách tranh theo kiểu bản năng cũng có thể tạo ra tác phẩm đẹp và hay nhưng nếu không phù hợp với tiêu chuẩn in ấn quốc tế thì cũng sẽ tương đối khó tiếp cận với thị trường sách tranh quốc tế.

Sách tranh 2.jpg
Cần có thêm nhiều sách tranh của Việt Nam để góp phần quảng bá văn hóa Việt ra thế giới. Ảnh: B.M

“Chúng tôi hy vọng thông qua khóa học này có thể truyền cảm hứng cho các họa sĩ và tác giả Việt Nam sáng tác thêm nhiều tác phẩm cho trẻ em Việt Nam với các nội dung đặc sắc của Việt Nam, những câu chuyện của Việt Nam. Qua đó có thể giảm tỷ lệ sách tranh mua bản quyền từ nước ngoài, tăng tỷ lệ sách tranh của tác giả Việt Nam lên tầm 30 – 40% tổng lượng sách tranh trên thị trường Việt. Song song với việc chinh phục độc giả Việt Nam thì sẽ có những bước tiếp theo, đưa tác phẩm hay, tác phẩm đẹp đi giới thiệu với các nhà xuất bản nước ngoài. Những cuốn sách có giá trị cả về thương mại và nội dung sẽ được các nhà xuất bản quốc tế chủ động lựa chọn bởi họ thấy xứng đáng xuất bản chứ không phải vì bắt buộc phải làm trong khuôn khổ một chương trình giao lưu. Đối với người làm sách bản quyền như chúng tôi thì đây là con đường để có thể giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới một cách nhanh và dễ dàng nhất”, ông Minh bày tỏ.

“Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều họa sĩ Việt Nam có cảm hứng tự sáng tác những cuốn sách tranh mới với những ý tưởng riêng. Và chúng tôi sẽ mời họ hợp tác để triển khai những dự án sách tranh của Việt Nam. Hy vọng tại Hội chợ sách Bologna năm 2025 (Bolonha là hội chợ sách thiếu nhi lớn nhất thế giới), Nhã Nam có thể trưng bày các quyển sách tranh của Việt Nam, giới thiệu với các nhà xuất bản sách thiếu nhi trên thế giới những nội dung của chính người Việt Nam sáng tác”, ông Minh chia sẻ thêm.