Các thí sinh đã vượt qua gần 2.200 thí sinh ở Vòng loại để giành tấm vé tham gia tranh tài tại Vòng chung kết quốc gia Vô địch Tin học văn phòng Thế giới - Viettel (MOSWC-Viettel) 2023

Thành quả từ quyết tâm của các cơ sở đào tạo

Theo ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức cấp quốc gia của cuộc thi, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy khoảng cách năng lực Tin học chuẩn quốc tế của các em học sinh, sinh viên giữa các vùng miền đã dần rút ngắn lại so với những mùa thi trước đây.

Có được sự thay đổi quan trọng này, ông Nam cho rằng phải kể đến quyết tâm rất lớn của các cơ sở đào tạo với mục tiêu kiến tạo một thế hệ tri thức tiên tiến có kiến thức và được trang bị kỹ năng số để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia. Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) là một điển hình khi có tới 21 em lọt vào Vòng chung kết quốc gia cuộc thi MOSWC-Viettel 2023 trên tổng số 150 em trên toàn quốc, trong đó nhiều em đạt số điểm tuyệt đối.

“Để đạt được thành tích này, nhà trường đã định hướng tiếp cận tin học theo chuẩn quốc tế MOS từ nhiều năm trước và đều đưa các em thí sinh đi cọ xát tại cuộc thi. Các thầy cô cũng liên tục trau dồi, nâng cao và vận dụng bề dày kinh nghiệm trong việc rèn luyện, bồi dưỡng hướng dẫn các em. Bên cạnh đó, các em học sinh khi bước đến vòng này đều có tố chất, chăm chỉ học hỏi nên những gì các thầy cô truyền lại, các em đều tiếp thu và có định hướng mục tiêu rõ ràng để có được kỹ năng và đạt được chứng chỉ Tin học quốc tế công nhận toàn cầu”, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo viên Tin học, trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết.

Đội tuyển MOS trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) tham gia MOSWC-Viettel 2023

Với một Cuộc thi Tin học ứng dụng tầm cỡ thế giới như MOSWC, cạnh tranh với hơn 2.000 thí sinh được tuyển chọn từ 240 đội tuyển để giành một suất vào Vòng chung kết quốc gia là một thử thách rất lớn. Thầy Hùng cho rằng, những em học sinh được vào Vòng chung kết quốc gia không chỉ có kỹ năng và kiến thức thành thạo về MOS, mà các em có khả năng vận dụng, sáng tạo rất cao. Hơn nữa, các em phải có khả năng đọc hiểu tiếng Anh, viết bài luận tiếng Anh.

Còn cô Bùi Thị Như Quỳnh - Giáo viên Tin học tại trường THPT Công Nghiệp (Hòa Bình) không giấu niềm vui khi đồng hành cùng học trò tại VCK quốc gia. “Đây là năm đầu tiên tôi dạy chương trình Tin học MOS trong trường và cũng là năm đầu tiên tôi đưa các em học sinh tham gia cuộc thi MOSWC - Viettel. Tôi mong muốn các em được trải nghiệm, hòa mình vào sân chơi Tin học ứng dụng theo chuẩn quốc tế. Tuy chỉ có một thí sinh xuất sắc vào Vòng chung kết quốc gia năm nay, nhưng tôi tin rằng điều này sẽ khơi dậy và lan tỏa niềm đam mê Tin học, công nghệ đến với các học sinh khác trong trường”.

Nỗ lực xóa nhòa khoảng cách giáo dục giữa các địa phương

Để có được những kết quả tích cực này, công cuộc thu hẹp khoảng cách kỹ năng số giữa học sinh nông thôn và khu vực thành thị đã được nhiều tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp CNTT hàng đầu nỗ lực thúc đẩy trong nhiều năm qua. 

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đi đầu bắt tay với các cơ quan chính phủ và các tổ chức, triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục, trong đó việc đồng hành tài trợ Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới trong hơn một thập kỷ qua.

Bà Bùi Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Thương hiệu và Truyền thông Viettel phát biểu tại Lễ khai mạc cuộc thi

Bà Bùi Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Thương hiệu và Truyền thông Viettel cho biết: “Thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục là con đường giúp Viettel thực hiện khát vọng kiến tạo xã hội số, xây dựng một xã hội học tập trọn đời, xóa nhòa khoảng cách giáo dục giữa các địa phương trên cả nước, thiết lập sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng cao”.

“Viettel đồng hành cùng cuộc thi MOSWC với kỳ vọng thế hệ trẻ Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của công nghệ và nỗ lực học hỏi, ứng dụng thành thạo công nghệ vào học tập và lập nghiệp trong tương lai”, bà Điệp chia sẻ thêm.

Vòng chung kết quốc gia cuộc thi MOSWC - Viettel vừa khép lại mùa thi thứ 14 tại Việt Nam. Với những kết quả ấn tượng hơn sau mỗi năm, cho thấy năng lực Tin học ứng dụng quốc tế của học sinh, sinh viên tăng lên đáng kể, đặc biệt là khu vực nông thôn và vùng xa. Khi nguồn nhân lực và công nghệ được xem như hai yếu tố tiên quyết tới sự bứt phá của Việt Nam trong kỷ nguyên số, thì những sân chơi CNTT quy mô toàn cầu như MOSWC được chuyên gia ngày càng đánh giá cao và kỳ vọng.

Doãn Phong