Đào tạo trực tuyến “lên ngôi”
Đầu tháng 12/2022, ông Song Trần, nhà sáng lập một doanh nghiệp công nghệ đã ứng tuyển thành công chương trình học bổng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh 100% online của 1 trường đại học tại Singapore, với mức hỗ trợ 83% học phí.
Với chương trình học 100% trực tuyến, ông Song sẽ có thể vừa điều hành công việc tại doanh nghiệp mình, vừa nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ, và đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, chi phí hơn nhiều so với cách học trực tiếp truyền thống.
Quá trình tìm kiếm các chương trình học, ông Song nhận thấy, đào tạo đại học và sau đại học tại nhiều quốc gia đã thay đổi mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số. Ngày càng nhiều trường đại học trên thế giới, điển hình như ở Úc, Mỹ, châu Âu, Singapore… mở những chương trình đào tạo cho phép học viên trực tuyến hoàn toàn.
Tại Việt Nam, từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc. Nhiều trường đại học, học viện, cơ sở giáo dục đang có những bước chuyển dịch hoạt động lên không gian số.
Ở FUNiX (chương trình đào tạo trực tuyến thuộc Tập đoàn FPT), hàng ngày ước tính có khoảng hơn 5.000 người đang theo học các chương trình ngắn hạn, dài hạn. Trong đó, có cả những sinh viên chọn học chương trình đại học với 50% học online tại FUNiX và hoàn thành phần còn lại ở 1 trong 3 trường công nhận chuyển đổi tín chỉ tại FUNiX gồm Đại học FPT, Đại học Deakin (Úc), và Đại học Thành phố Seattle (Mỹ) để được các trường này cấp bằng.
Có thể thấy rằng, đến nay, công nghệ đã hoàn toàn đáp ứng được việc hỗ trợ các trường đại học. Nhà trường có thể tuyển sinh, tổ chức đào tạo cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, học viên hoàn toàn qua mạng.
Giải bài toán nhân lực số
Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra không chỉ là sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin, mà trở ngại lớn nữa là rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo người dân còn thiếu kỹ năng để tham gia chuyển đổi số. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, đại học số chính là lời giải cho nhân lực số Việt Nam.
Theo phân tích của Bộ trưởng, nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam hiện xấp xỉ 1,2 triệu người, song tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Các nước châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5% dân số làm công nghệ thông tin. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu 2 - 3% dân số làm công nghệ thông tin thì sẽ cần khoảng từ 2 - 3 triệu nhân sự. Trong khi đó, mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng chỉ đào tạo được khoảng 60.000 - 70.000 cử nhân. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng đại học số là giải pháp đột phá. Nếu mô hình đại học số được thí điểm sớm, đây sẽ là một trong những giải pháp giúp Việt Nam nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, không chỉ phục vụ công cuộc chuyển đổi số trong nước mà cho cả những nước khác.
Bên cạnh đó, để giải bài toán bồi dưỡng hiệu quả các kỹ năng số cho hơn 2 triệu công chức, viên chức và cho gần 100 triệu người dân Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai cách tiếp cận mới, đó là xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn.
Là nền tảng do Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan chủ quản, OneTouch được xây dựng để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm của công dân số.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 7 tháng vận hành, đã có 13,4 triệu lượt người dân Việt Nam lên nền tảng OneTouch để học tập, được trang bị các kỹ năng số cơ bản. Qua nền tảng số này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng các bộ, ngành, địa phương bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 204.397 lượt cán bộ, công chức, viên chức và trên 255.500 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Xác định vẫn còn nhiều việc làm trong thời gian tới để phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt lưu ý một số nội dung gồm: Thí điểm mô hình giáo dục đại học số; Triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, liên kết các trường với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia…
Vân Anh
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)