Nhiều phụ nữ không nhận được sự giúp đỡ khi rơi vào tình trạng kiệt quệ tinh thần.

Là một huấn luyện viên điều hành, Serene Seng (46 tuổi) có thể phát hiện các dấu hiệu kiệt sức ở khách hàng của mình.

Nhưng cô không nhận ra bản thân đang gặp vấn đề về mặt cảm xúc cho đến cuối năm 2020.

Với tính cách hướng ngoại, trong thời kỳ đại dịch, Seng khá chật vật khi vừa phải làm việc tại nhà, vừa chăm sóc con trai mới học tiểu học, đồng thời theo dõi sức khỏe của người già và họ hàng ở nước ngoài.

“Khi nhận ra điều đó, tôi đã kiệt sức. Tôi không có năng lượng để làm những việc đơn giản nhất như trả lời email hoặc kiểm tra bài tập về nhà của con. Tôi trở nên rất nhạy cảm, dễ mất bình tĩnh hoặc phản ứng thái quá với những tác động nhỏ”, Seng, hiện là nhân viên của Ezra Coaching, nhà cung cấp dịch vụ huấn luyện ảo, chia sẻ.

Cô cố gắng tìm cách chữa lành bản thân khi tâm sự với một vài người bạn. Họ giúp cô thực hiện các biện pháp tích cực để hồi phục.

Gánh nặng tinh thần

Trong hai năm đầu của đại dịch, các phương tiện truyền thông trên toàn cầu đã ghi nhận nhiều trường hợp bị quá tải với các vai trò trong công việc và trách nhiệm gia đình, theo The Straits Times.

Covid-19 hiện đã lắng xuống, nhưng báo cáo về tình trạng sức khỏe của nữ giới vẫn chìm trong màu đỏ, ngay cả khi các chiến dịch kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang diễn ra trên toàn cầu.

Dữ liệu Women In The Workplace 2022 của công ty tư vấn McKinsey & Co, thu thập từ 333 đơn vị và 40.000 nhân viên, đưa ra vào tháng 10/2022 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về “Cuộc chia tay vĩ đại”.

Theo đó, cứ mỗi quản lý được thăng chức thì có 2 nhân sự nữ chọn rời khỏi công ty.

“Nhóm này đang yêu cầu nhiều hơn từ công việc và họ rời bỏ văn phòng cũ với số lượng chưa từng có để đạt được điều đó. Các nữ lãnh đạo chuyển đổi việc làm với tỷ lệ cao nhất so với nam giới trong cùng vai trò”, trích từ nội dung trong báo cáo.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, từ bị nghi ngờ khi đưa ra quyết định đến việc không được khen thưởng vì ủng hộ sự hòa nhập và phúc lợi của nhân viên.

Những phát hiện này dường như gắn liền với sự ra đi của các nữ quản lý cấp cao trong vài năm qua.

phu nu kiet suc anh 1

Tỷ lệ kiệt sức ở nữ giới tăng trên toàn cầu. Ảnh: iStock.

Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Meta, đã nghỉ việc vào tháng 6/2022, sau 14 năm cống hiến. “Đó là công việc mà tôi yêu thích, nhưng nó chiếm 24/7 thời gian của tôi”, cô nói.

Sandberg là một trong những người nữ lãnh đạo quyền lực nhất trong lĩnh vực công nghệ. Cuốn sách được xuất bản vào năm 2013 của cô - Lean In: Women, Work, And The Will To Leader - đã khởi xướng một phong trào toàn cầu, nơi phụ nữ thành lập “vòng kết nối” để hỗ trợ lẫn nhau và khẳng định bản thân trong sự nghiệp.

Bà Susan Wojcicki, CEO của YouTube, cũng nghỉ việc vào tháng 2/2023 sau 9 năm làm việc để tập trung cho gia đình, sức khỏe và các dự án cá nhân.

“Tôi hiểu công việc này đòi hỏi những gì. Tôi cũng biết rằng bản thân không còn đủ sức lực để làm điều đó một cách công bằng”, bà Jacinda Ardern, cựu Thủ tướng New Zealand, chia sẻ trong một bài phát biểu đầy cảm xúc hồi tháng Giêng.

Ai dễ bị kiệt sức?

Tại Singapore, một cuộc khảo sát của nền tảng Slack với 1.000 nhân viên văn phòng 18-76 tuổi đã tiết lộ rằng 51% người lao động tri thức đang cảm thấy kiệt sức.

Tỷ lệ phụ nữ bị quá tải là 53% so với nam giới 49%. 35% không hài lòng hơn với công việc của mình, nhóm còn lại chiếm 29%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phụ nữ không dễ bị kiệt sức hơn nam giới.

“Giới tính không phải là yếu tố quyết định. Việc một người nào đó bị kiệt sức được quyết định bởi tính cách của họ, chẳng hạn tham vọng quá mức, đảm nhận nhiều việc mà không thể xử lý, nhận thức về việc lắng nghe ý kiến, có giải pháp để kiểm soát căng thẳng và cân bằng giữa công việc - cuộc sống hay không”, Adrian Lau, nhà tâm lý học chính tại Bệnh viện Mount Elizabeth, cho hay.

Jingjin Liu (38 tuổi), người sáng lập Zazazu, một công ty khởi nghiệp về công nghệ giúp phụ nữ giải quyết các vấn đề như sức khỏe, sự thân mật, hành vi vi phạm và phân biệt giới tính, cho biết phái đẹp vẫn được kỳ vọng sẽ đảm đương nhiều trọng trách một cách dễ dàng.

“Điều đó dẫn đến tình trạng họ sẽ bị tự ti, xấu hổ khi thừa nhận mình đang gặp khó khăn hoặc sợ bị coi là không đủ năng lực để xử lý các nhiệm vụ và kiểm soát mọi thứ”, Liu nói và cho biết thêm cô từng bị kiệt quệ tinh thần 2 lần.

Ngày càng có nhiều phụ nữ phá vỡ rào cản trong các đấu trường do nam giới thống trị, nhưng đôi khi điều đó phải trả giá. Chẳng hạn, Claribel Chai (40 tuổi) cảm thấy cần phải “chứng tỏ mình là người ngoại lệ” trong ngành công nghệ ngay từ khi mới vào nghề.

“Tôi từng không để tâm đến vấn đề thể chất và tinh thần. Tôi không muốn lãng phí cơ hội khó kiếm được này. Nhưng suy nghĩ đó đã khiến tôi bị suy giảm rõ rệt về hiệu suất làm việc do thiếu tự tin”, Chai nhớ lại sự việc cách đây 13 năm.

phu nu kiet suc anh 2

Phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong đại dịch. Ảnh: Forbes.

Vào thời điểm đó, cô thường xuyên bị tê liệt chân tay, mệt mỏi và nhịp tim không đều.

Một đồng nghiệp nữ đã phát hiện điều bất ổn ở Chai và giúp cô đánh giá lại các ưu tiên trong cuộc sống. Mọi thứ trở nên tồi tệ khi cô mang thai ở tháng thứ 7 nhưng vẫn thức đêm để chạy deadline.

Khi nhận ra con mình không cử động, Chai lập tức đi khám và được bác sĩ thông báo mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, phải nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường.

“Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh”, Chai bày tỏ. Hiện cô là giám đốc quản lý khu vực Singapore của Palo Alto Networks, một công ty đa quốc gia về an ninh mạng. Hai đứa con của cô giờ đã ở tuổi thiếu niên.

Quản lý tình trạng kiệt sức là một bài toán khó đối với các cá nhân, tập đoàn và thậm chí cả xã hội.

Các công ty cần phải đánh giá khách quan trong việc cắt giảm nhân sự và không được phân biệt đối xử vì nguyên nhân giới tính, tình trạng hôn nhân hoặc trách nhiệm gia đình.

“Nếu phụ nữ xuất hiện trong cuộc họp phụ huynh, đó thường được coi là công việc của cô ấy. Nhưng nếu một người đàn ông xuất hiện, anh ta lại được xem như một người cha tốt, mặc dù cả hai có thể kiếm được số tiền như nhau”, Priyadarshini Sharma, phó chủ tịch tiếp thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại McCormick, một công ty thảo mộc và gia vị, chia sẻ.

Theo Zing