Thầy Đ.Q.T, được tuyển dụng vào biên chế chính thức, làm giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Bùi Quang Mại khoảng năm 1998-1999.

Vài năm sau, thầy T. phải đi chữa bệnh và liên tục không tham gia vào việc dạy học trên lớp.

Theo ông Đống, ban đầu thầy giáo này chỉ xin nghỉ vì bị bệnh thông thường và nhờ một giáo viên khác dạy thay. Nhưng sau đó, bệnh nặng dần và khoảng 4-5 năm nay nặng hẳn.

“Với những triệu chứng ban đầu thì thầy T. cũng không nghỉ dạy, sau đó bệnh nặng dần. Trong 4 -5 năm gần đây, lúc nào bệnh tình thuyên giảm, thầy cố gắng đi dạy. Khi đi chữa bệnh thì thôi, nhưng gần như là không dạy”. 

Gia đình phải đưa thầy T. đi chữa trị, khi thì một tuần, khi vài tháng và có khi kéo dài cả năm.

“Tất cả những lần nghỉ, thầy T đều có đơn xin phép, khi đỡ thầy lại đi làm”.

Đầu năm học này, nhà trường đã chuyển thầy làm công việc khác, không đứng lớp để đảm bảo không ảnh hưởng chất lượng dạy học.

"Như vậy thầy T. đi dạy không đầy đủ, liên tục. Nhà trường làm như vậy là muốn tạo điều kiện cho thầy vừa có thể đi chữa bệnh vừa tiếp tục làm nghề", ông Đống nói.

Gần đây, ngay sau khi một số giáo viên trong trường có ý kiến về sự việc, nhà trường đã họp với thầy T. và đã báo cáo sự việc lên các đơn vị quản lý cấp trên.

“Chúng tôi đã xin ý kiến cấp trên và vận động gia đình để thầy T nghỉ công tác khỏi ngành. Hiện, gia đình thầy cũng đã có đơn về việc này”.

Theo ông Đống, nhà trường đã báo cáo sự việc với Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh và thống nhất quan điểm để thầy T. ra khỏi ngành.

Giải thích về việc dù không lên lớp dạy học thường xuyên nhưng nhiều năm liền, thầy T. vẫn được nhà trường đánh giá "hoàn thành nhiệm vụ", ông Đống cho hay "các tiết dạy của thầy vẫn được đảm bảo đầy đủ do nhờ được giáo viên khác dạy hộ". 

Trước những ý kiến cho rằng thầy T được trường bao che và vẫn được nhận lương vì là người nhà của ban giám hiệu, ông Đống khẳng định đó là thông tin bịa đặt. “Thầy T. không có họ hàng nào ở trường”, ông Đống nói.