Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.000km2, cùng với bờ biển dài hơn 200km, có 143 đảo nổi, rất giàu tiềm năng kinh tế. Không chỉ là ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước, vùng biển đảo Kiên Giang còn có tiềm năng rất lớn về phát triển các lĩnh vực kinh tế quan trọng như du lịch, năng lượng tái tạo…
Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tháng 2/2019, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chương trình hành động số 47, xác định một trong những đột phá là “Phát triển mạnh các đô thị đảo và ven biển; phát triển kinh tế hàng hải.
Đánh giá cao thực tế thời gian qua, Kiên Giang đã trở thành tỉnh đi tiên phong trong vùng và cả nước trong hoạt động xây dựng và phát triển đô thị biển, tuy nhiên, Tiến sĩ – Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng lưu ý, tại Kiên Giang, một nội dung trọng tâm khi phát triển đô thị biển là vấn đề lấn biển hiện vẫn còn khoảng trống pháp lý. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể quy định về quản lý, khai thác đất đai tại các khu lấn biển, kể cả ở đô thị biển và các vùng khác. Quy hoạch chung quốc gia chưa được phê duyệt. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào nêu rõ mục tiêu chiến lược cũng như khống chế về định tính, định lượng cho từng đô thị biển. Việc khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng địa hình, địa mạo, khí tượng, thủy văn vùng biển, cũng như tính toán cụ thể, sát thực về khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu mới dừng ở mức tổng phổ, chưa có tính toán cung cấp cứ liệu khoa học đầy đủ. Dù Kiên Giang đã có kinh nghiệm 20 năm tiên phong lấn biển nhưng việc tổng kết, rút kinh nghiệm mang tính khoa học chuyên sâu, soi chiếu với mặt bằng chung quốc tế, rút ra những bài học khách quan cũng còn là một vấn đề.
Muốn phát triển đô thị biển Kiên Giang, ông Sơn cho rằng cần lưu ý một số vấn đề sau.
Trước hết, ở đây hiện hữu cả 3 loại đô thị biển gồm đô thị biển, đô thị đảo và đô thị ven biển, đều rất phát triển. Trong đó, riêng về đô thị đảo, ở đây có một đô thị thuộc Top đầu Việt Nam. Việc cân đối hài hòa chức năng, hợp phần kinh tế và lợi ích cộng đồng cần tính toán toàn diện, tích hợp, cụ thể, tránh chồng chéo ngay trong tỉnh.
Cần xác định rõ nguồn lực khai thác sử dụng để đáp ứng kịp thời, đầy đủ, không bị thừa. Đồng thời phải xác định rõ nguồn lực tài chính để phát triển khả thi, không bị ảo. Các nguồn lực khác cũng cần cân đối, hài hòa..
Về lựa chọn quy hoạch lấn biển, cần căn cứ từ quy hoạch chung quốc gia cho các đô thị biển để xác lập quy mô chính xác cho nhu cầu tương lai; xây dựng chuẩn quy hoạch tương lai của từng đô thị. Trên cơ sở đó, xác định quy mô diện tích lấn biển của từng đô thị, quy hoạch và xây dựng các khu lấn biển, trong đó tính kỹ hiệu quả kinh tế, khả năng hoàn vốn và tạo động lực phát triển. Chẳng hạn như khu lấn biển tại Rạch Giá, hiện nay chủ yếu là xây dựng các khu ở và khu công cộng quy mô nhỏ, thấp tầng, khả năng phát huy lợi ích kinh tế và thu hồi vốn khó đạt hiệu quả.
Với các đô thị và khu chức năng dạng đảo, nên lựa chọn giải pháp kết nối đảo – đảo cho những khu chức năng mới, ví dụ sân bay, khu công nghiệp biển…
Tính khả thi về vật liệu lấn biển, cung cấp nước ngọt đủ cho vùng lấn biển, cần đặt ra để giải quyết ngay từ đầu, kết hợp với tính toán về cân bằng sinh thái, phát triển bền vững. Kiên Giang không có lợi thế về núi đồi hay xỉ than như Quảng Ninh. Vì thế, nên ưu tiên tạo hồ nước ngọt lõi cho mỗi vùng lấn biển, tức là đào hồ trữ nước ngọt để lấy vật liệu bồi đắp vùng đất lấn, tính toán kỹ bài toán cân bằng đào – đắp.
Ngoài ra, cần công nhận và sử dụng, phát huy khôn khéo các giá trị văn hóa vùng đất, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái vùng biển. Đây chính là nguồn vốn sẵn có và nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn. Yếu tố tạo lập đô thị xanh – thông minh – thân thiện – hiện đại và có khả năng hội nhập cao luôn phải là mục tiêu cao nhất cho sự phát triển.
“Chúng tôi được biết, tỉnh Kiên Giang có mong muốn rất lớn về việc mở rộng quy mô đất đai bằng lấn biển, chẳng hạn chỉ riêng Hà Tiên đã là 10.847ha. Đây là một nhu cầu chính đáng nhưng cần được tính toán kỹ, sát với khả thi nguồn lực tài chính huy động, công năng, công suất sử dụng phải phù hợp, tránh lãng phí. Tinh thần nên đặt ra là lấn biển với diện tích đủ cho khai thác tương lai, tính toán hiệu quả sao cho khai thác được tối đa, phù hợp với sự phát triển diện tích đất lấn”, ông Sơn chia sẻ.
“Cũng không nên dàn hàng ngang, đô thị, huyện dọc biển nào cũng lấn. Cách tích hợp số lượng cảng biển và sân bay trên đất lấn quá nhiều vừa lãng phí nguồn kinh phí xây dựng vừa khó khai thác hết công suất của các loại công trình này. Việc phát triển ồ ạt với quy mô lớn không thuận chiều với yêu cầu phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khuyến nghị thêm.