Sau một thời gian tìm hiểu về hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch biển tỉnh Quảng Nam, Thạc sĩ Lê Đức Thọ (Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng) đánh giá cao việc đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã có gần như đầy đủ các loại hình du lịch biển: Gắn với biển có tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển, thể thao trên biển (lướt sóng, đua thuyền, mô tô nước…); gắn với đời sống dân cư vùng biển có các hình thức tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa địa phương, mua sắm sản phẩm du lịch… 

anh bai 9.jpg
Hiện tại, Quảng Nam đã có gần như đầy đủ các loại hình du lịch biển.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng lưu ý, mặc dù loại hình du lịch biển đảo có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng Quảng Nam vẫn chưa hình thành được những sản phẩm du lịch đặc trưng và không gian du lịch biển đảo một cách rõ nét, các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước. 

“Việc phát triển du lịch biển đảo còn có sự mất cân đối cả về không gian lãnh thổ và sản phẩm du lịch giữa phía Nam và phía Bắc của tỉnh. Sức hấp dẫn của các điểm đến đối với du khách cũng chưa đồng đều, đa số khách du lịch đến Quảng Nam chủ yếu tập trung ở thành phố Hội An và khu du lịch Cù Lao Chàm; còn các khu vực còn lại chủ yếu là khách nội tỉnh. Nhìn chung, hiệu quả phát triển du lịch chưa cao, sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, đặc sắc. Một phần lớn nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng mức, các dịch vụ du lịch kèm theo còn hạn chế”, ông Thọ phân tích.

Nghiên cứu một số giải pháp nhằm phát triển du lịch biển tỉnh Quảng Nam, Thạc sĩ Lê Đức Thọ nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả vai trò lãnh đạo và quản lý của chính quyền địa phương đối với các hoạt động du lịch biển. 

Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần quyết tâm đẩy mạnh mô hình du lịch biển với những hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ vốn để các hộ gia đình ven biển tham gia hoạt động du lịch cộng đồng có khả năng đáp ứng yêu cầu của du khách về cơ sở vật chất, kỹ thuật…; Không ngừng cải tiến nội dung, hình thức cũng như chất lượng các sản phẩm du lịch biển, thu hút khách du lịch đến nhiều hơn, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.  

Tiếp nữa, Quảng Nam cần xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển đảo, ưu tiên phát triển du lịch biển và các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng biển theo hướng hình thành các khu nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. 

Cần tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn du khách như thuyền buồm, du thuyền, thám hiểm đại dương, câu mực về đêm, ngắm san hô; phát triển các loại hình thể thao trên biển như: dù kéo, mô tô nước, lướt ván, lướt ván buồm, thuyền chuối cùng một số các dịch vụ bổ sung làm tăng thêm sức hấp dẫn cho biển.

Tổ chức những tour du lịch sinh thái văn hóa gắn với sông nước miền biển - loại hình du lịch độc đáo, nhất là đối với du khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - cũng là việc cần làm. 

Giải pháp kế tiếp là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch biển Quảng Nam. Mặc dù công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Nam đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Cần có chiến lược tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch biển đảo Quảng Nam đến các khu vực thị trường trong nước và quốc tế một cách hiệu quả. Có thể kể đến cách hình thức quảng bá thương hiệu du lịch biển đảo Quảng Nam như: Tham gia thường xuyên các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế ở nước ngoài; Tổ chức hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế; Phối hợp với các ngành, các địa phương khác tiến hành các chiến dịch phát động thị trường du lịch nhằm thu hút khách du lịch. 

Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền hình ảnh du lịch biển đảo Quảng Nam trên Internet, các phương tiện thông tin truyền thông, thông tin đại chúng, báo, đài, tạp chí… 

“Du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch đang phát triển mạnh trên thế giới. Loại hình du lịch này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên sự đa dạng cho ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, giúp kinh tế biển phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng cư dân ven biển”, ông Thọ phân tích thêm.  

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV