Áp lực lớn với các khu du lịch biển
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển du lịch (ITDR - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), dẫn một khảo sát của cơ quan này cho thấy, sự tăng trưởng cao lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả thải lượng lớn chất thải, trong đó có rác thải nhựa.
Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Điển hình như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Hay ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), trung bình có 105 tấn rác thải/ngày đêm; trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%. Đà Nẵng cũng xả ra tới 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, và rác thải nhựa chiếm 17%.
Tại các điểm đến khác như Tuy Hòa (Phú Yên), cũng xả ra biển tới 524 tấn rác thải/ngày đêm; rác thải nhựa chiếm 18,3%. Phú Quốc (Kiên Giang) với 155 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 19%...
Thậm chí, tại những vùng biển đảo mới được khám phá và đưa vào khai thác du lịch vài năm gần đây, như đảo Nam Du (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Dốc Lết (Khánh Hòa),... xuất hiện tình trạng rác thải, trong đó có rác thải nhựa, trôi nổi trên biển, bãi cát hay tràn hai bên đường đi,... do không được xử lý, gây ô nhiễm và phản cảm.
Theo tính toán của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Dựa trên kết quả điều tra về lượng phát sinh rác thải nhựa của mỗi khách du lịch có lưu trú là 0,4 kg/ngày/đêm, khách không lưu trú là 0,2 kg/ngày, nghiên cứu của ITDR chỉ ra rằng, lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch khi chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19 là 55.296 tấn với khách quốc tế, 60.848 tấn với khách nội địa (năm 2019).
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch biển.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển từ 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.
Do đó, trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021, dù Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, riêng chỉ số “Sự bền vững về môi trường” xếp hạng 94.
Lên kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa
Trong chiến lược phát triển đến năm 2023, ngành du lịch xác định phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội là một xu hướng, đồng thời cũng là yêu cầu cũng như định hướng chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam.
Để giảm thiểu rác thải, trong đó có rác thải nhựa, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đặt ra mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa;
Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Đế đạt được kết quả đó, các giái pháp được đưa ra là: đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường biển đối với các doanh nghiệp, cư dân ven biển, khách du lịch biển;
Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy;
Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, các khu du lịch, các âu thuyền, chợ cá ven biển); Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch biển…
Đặc biệt, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đề xuất, Bộ VH-TT&DL cần ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch; xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển.
Một dự án phối hợp với UNDP về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam cũng được triển khai từ 1/1/2023 đến 30/6/2024, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam. Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.