Lấy ý kiến dự thảo chính sách, pháp luật là một quy trình chính thức được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thông tin, truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên cơ sở trao đổi, lắng nghe và phản hồi ý kiến góp ý.
Hiệu quả của việc lấy ý kiến dự thảo chính sách, pháp luật được đánh giá thông qua chất lượng của từng hoạt động trong quá trình tổ chức lấy ý kiến, gồm: Hoạt động thu thập thông tin, tài liệu có liên quan; Xác định những vấn đề trọng tâm, then chốt của dự thảo cần xin ý kiến; Hoạt động tiếp nhận, tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý và hoạt động phản hồi ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Để bảo đảm chất lượng của hoạt động lấy ý kiến, cơ quan chủ trì lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo phải hiểu đúng, nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lấy ý kiến; nâng cao tinh thần trách nhiệm, cầu thị, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, trung thực trong quá trình tổ chức lấy ý kiến. Bên cạnh đó, người làm công tác lấy ý kiến cần thường xuyên trau dồi các kỹ năng về cung cấp thông tin, tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến”, nghiên cứu của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật khuyến nghị.
Việc lấy ý kiến được thực hiện với nhiều hình thức và trong các giai đoạn khác nhau giúp có cái nhìn toàn diện, khách quan về những chính sách trong đề nghị và dự thảo văn bản. Chẳng hạn như: Đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội,Cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lấy ý kiến; Gửi lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan; Tổ chức hội thảo, tọa đàm, họp báo để thông tin, trao đổi, thảo luận về những chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách.
Bên cạnh việc đăng tải toàn văn hồ sơ dự án, dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến cần xác định nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến, trong đó tập trung vào những chính sách lớn, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Tính minh bạch trong hoạt động lấy ý kiến đòi hỏi cơ quan tổ chức lấy ý kiến không chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về chính sách và dự thảo văn bản, mà cần có những phân tích, lý giải cho chủ thể được lấy ý kiến biết họ được lợi gì và thiệt hại gì nếu văn bản được ban hành, để các chủ thể này nắm bắt nội dung dự thảo chính sách, nội dung dự thảo văn bản và thể hiện ý kiến.
Thực tiễn cho thấy, tâm lý chung của các chủ thể được lấy ý kiến đều mong muốn các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến đưa ra những gợi ý, những câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, then chốt, thể hiện chính sách cơ bản của dự án, dự thảo văn bản, những quy định sẽ tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhất là cần có sự phân biệt các nội dung tập trung xin ý kiến căn cứ vào từng nhóm chủ thể được lấy ý kiến trên cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực của các chủ thể này.
Đối với những vấn đề trọng tâm, những chính sách mới hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần nêu chi tiết các ý kiến, các phương án, giải pháp khác nhau (nếu có) với những cơ sở, lập luận cho từng phương án, giải pháp để chủ thể được lấy ý kiến dễ dàng đóng góp ý kiến một cách thiết thực và hiệu quả.
Nội dung lấy ý kiến nên tập trung vào 3 vấn đề cơ bản, gồm: Tính khả thi của nội dung các chính sách, quy định trong dự thảo văn bản; các chính sách lớn trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các chính sách tác động trực tiếp đến người dân, các nhóm lợi ích.
Việc xác định đầy đủ các nhóm chủ thể khác nhau cần lấy ý kiến sẽ giúp người soạn thảo thiết kế, xây dựng nội dung lấy ý kiến phù hợp. Thông thường, có 4 nhóm đối tượng chính cần được quan tâm, tập trung lấy ý kiến, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; người làm công tác thực tiễn; các chuyên gia, nhà khoa học; đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.