Cuộc đua thanh toán điện tử

Chỉ cần quét mã để thanh toán không còn xa lạ với người tiêu dùng tại các thành phố lớn, từ các quán cà phê tới tạp hoá, thậm chí là trà đá, đánh giày vỉa hè, xe ôm. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng thanh toán phi tiền mặt đang có tốc độ phát triển vượt bậc. Ở các khu vực nông thôn, người nông dân cũng đang tiếp cận dần với kênh bán hàng và thanh toán online.

Theo thống kê của VISA, lượng thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã tăng 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 đơn vị thực hiện qua điện thoại di động.

{keywords}
Tiết kiệm hàng triệu đồng nhờ thanh toán không tiền mặt

Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 472 triệu giao dịch, giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019).

Đến cuối tháng 6/2020, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 106 triệu thẻ (tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được quan tâm đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý, hướng tới các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Hiện có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng: “Covid-19 đang bước vào giai đoạn thứ hai, chúng ta cũng chưa biết bao giờ có thể khống chế dịch bệnh này, do đó, không có cách nào khác là phải thay đổi nhanh hơn, chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho kinh doanh bền vững trong bối cảnh sẽ phải sống chung với đại dịch”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết, đây cũng là cơ hội để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển đổi mô hình kinh tế số, thay vì thủ công như trước.

Chỗ thừa chỗ thiếu

Sự phát triển mạnh của các công cụ thanh toán phi tiền mặt tập trung tại các thành phố lớn khiến cho nguồn lực bị dư thừa, trong khi đó nhiều khu vực vẫn còn thiếu. TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, các tổ chức tài chính đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, vừa gây lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Theo ông ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang quá nhiều, nhưng lại không đồng bộ với nhau dẫn tới lãng phí trong việc mở rộng thị trường và bối rối cho người sử dụng lựa chọn kênh thanh toán. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nên tích hợp đồng bộ với nhau để tiết kiệm nguồn lực phủ thị trường về dịch vụ.

{keywords}
Ví điện tử đua nhau nở rộ 

Về “vùng trũng” trong giải quyết vấn đề thanh toán ở thị trường nông thôn, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch LienVietPostBank, chia sẻ, thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam phát triển khá nhanh, song còn nhiều việc phải làm từ hạ tầng kỹ thuật, quản lý, hệ thống an toàn, quan trọng nhất vẫn là thói quen của người tiêu dùng.

Người Việt có thói quen thanh toán tiền mặt, vì họ chưa có niềm tin vào phương thức thanh toán này. Đơn vị này có hệ thống bưu điện offline khá lớn để người dân nhận diện, có niềm tin, qua đó đẩy mạnh triển khai hệ thống thanh toán online.

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào hỗ trợ giảm phí thanh toán cho người tiêu dùng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, một số quốc gia đã có chính sách hỗ trợ các ngân hàng, các doanh nghiệp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Chẳng hạn, chính sách chiết khấu một mức nào đó cho các hóa đơn khi thanh toán bằng ví điện tử, mức chiếu khấu này được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Một trong những giải pháp có thể xem xét, đó là phí dịch vụ hóa đơn điện tử được trừ vào các phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp... Tất cả nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các nhà băng đang thu nhiều loại phí khiến khách hàng ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng, như: phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền quá cao so với các thanh toán nhỏ lẻ,...

Do đó, để có thể thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, có thể xem xét giảm, điều chỉnh các loại phí một cách hợp lý. Ngân hàng cũng có thể bù trừ các loại phí đó bằng cách tăng phí bảo lãnh.

Về thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, thanh toán trực tuyến dịch vụ hành chính công, hệ thống điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.

Khoảng 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; doanh thu tiền điện thanh toán, thu qua qua ngân hàng, trung gian thanh toán lên tới gần 90%. 

 Duy Anh