Hát từ Phan Xi Păng của tác giả Lê Tuấn Lộc là tập thơ đầy sức sống của một hồn thơ đã gắn bó gần như cả cuộc đời hoạt động của mình với núi rừng hùng vĩ, với những bản làng ẩn khuất trong mây, những dòng sông và thác nước khai sinh từ thượng nguồn hoang dã...

anh bia sach.jpg

Lãng mạn đấy, nhưng lại cũng vô cùng gian khổ vì đâu phải chỉ dành cho hành trình du lịch và rong chơi. Đây là nơi con người lặn lội để thăm dò, phát hiện ra những khu mỏ quý giá, từ đó mở các công trường, xưởng máy nhằm khai thác và tinh luyện.

Vậy là, nơi vốn chỉ đẹp với cái duyên ngang tàng và sự hoang dã của thiên nhiên thì nay đã có một cuộc đời nhân sinh đích thực:

"Bao la gió mát trăng trong

Bao la thỏa sức sống cùng thiên nhiên

Mây thì trắng, núi thì đen

Đường về nơi nhớ, nơi quên cả rồi!

Gió ngang tàng, gió vô hồi

Tiếng chim khắc khoải ven đồi nhặt khoan

Nghe gió hát, uống trăng tan

Tưởng như hết mọi lo toan ở đời...

Dưới thung xa, điện sáng ngời

Nhắc ta còn có cuộc đời thực hơn!”

(Say ở ven đồi )

Những dòng thơ hồn nhiên và chân thật được nhà thơ - kỹ sư Lê Tuấn Lộc viết ở mỏ Mỹ Cái (Thanh Hóa) năm 1986, cũng là thời điểm anh mới in chung tập thơ đầu tiên Với quê hương. Thơ anh có nhiều nét suy tư phóng túng vì tác giả thực sự không câu nệ trước bất cứ nếp nghĩ có tính mặc định nào hoặc chịu ép mình tuân thủ một định kiến trói buộc. Đấy có lẽ là thuộc tính đích thực của một tâm thế thi sĩ, dù ở hoàn cảnh nào cũng có cách nhận thức thẳng thắn và mạnh mẽ, chân thành và quả cảm.

Hãy nghe lời cầu xin tha thiết của tác giả trước ngọn Thác Bạc đầy khí phách, đời đời như dựng đứng trên đỉnh Sa Pa:

“Mai sau chết, ta xin về Thác Bạc

Hồn ta hòa tan vào dòng thác

Hòa khí trời Sa Pa

Làm xanh cây dương xỉ

Làm non mầm cây thông..."

Cách nói phóng túng nhưng hàm súc và chắc nịch ấy không hề có một câu tô vẽ, cũng không để một câu nào thừa. Hình như Lê Tuấn Lộc thực sự “phải lòng” Thác Bạc. Hay nói cách khác, cái phong cách xử sự kiểu Thác Bạc làm xiêu lòng anh. 

Cá tính của Lê Tuấn Lộc bộc lộ rõ trong sáng tác, thể hiện qua cách nói, chọn đề tài, cách giải quyết vấn đề trong từng trường hợp. 

z5357247217246 4ab6601cf27710a6242a9b4e50d97789.jpg
Tác giả Lê Tuấn Lộc.

Trong bầu khí quyển mông lung bàng bạc của thơ hôm nay, người làm thơ đã ít, người yêu thơ còn hiếm hơn. Lê Tuấn Lộc, một người làm khoa học, Tiến sĩ về mỏ - địa chất, chắc chắn rất hiểu điều đó. Nhưng anh lại viết một bài thơ thật cảm động, giống như dư âm của một bài thơ tình, có vị mặn, vị cay, vị chát, đủ thấm thía khiến độc giả chảy nước mắt, thấy tình người trong cuộc đời này quá ư trong trẻo và tốt đẹp.

Dù tác giả nửa đùa nửa thật khẳng định rằng: thơ như mây trôi, đời người như sương khói, bận tâm mà làm gì song người đọc lại không thể quên được. Bởi sự đồng cảm vừa xót xa vừa ngọt ngào:

“Sơn Dương, còn một người yêu thơ tôi

Chính là em

Bài thơ tôi tặng em năm xưa

Tưởng em quên lâu rồi

Em vẫn nhớ

Sơn Dương, còn một người yêu thơ tôi

Giờ tôi mới biết

Thôi em đừng nhớ nữa

Thơ như là mây trôi...”

Nét độc đáo ấy làm nên nét riêng của thơ anh, cũng như cách nói hóm hỉnh trong các bài: Em Tày đấy, Người núi, người phố, Tiệc đứng, Đi họp tỉnh, Hà Nội cái gì cũng có, Nước chảy theo ý mình… Nhiều bài gây thú vị bất ngờ, mang ý nghĩa nhân văn nhắc nhở về lối sống và cách ứng xử nên bổ sung cho nhau giữa người Kinh và người dân tộc miền núi.

Những bài thơ theo dạng này mở ra cho độc giả tiếp cận vào một lối nói, lối nghĩ hồn nhiên, trong trẻo của đồng bào. Đây cũng là những tác phẩm dẫn dắt, gợi ý cho người đọc đi sâu vào một thế giới ngôn từ độc đáo, một “miền quê” đầy hoài niệm trong thơ Lê Tuấn Lộc.