Chia sẻ cùng VietNamNet trong buổi ra mắt cuốn sách Thơ chọn, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết: “Đây không phải là một tập thơ tuyển chọn cá nhân từ hàng ngàn bài thơ tôi đã sáng tác. Đơn giản chỉ là những tác phẩm mà tôi yêu thích, có những bài đã in từ tập trước, có những bài chưa in và chưa xuất hiện ở bất cứ trang báo nào. Tôi gửi gắm trong thơ ca mong ước được đi tìm kiếm chính mình, hiểu rõ hơn về bản thân với đủ cung bậc xúc cảm. Có như vậy mới biết yêu người, yêu đời thiết tha”.

duongxuannam.jpeg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bên nhà thơ Dương Kỳ Anh. Ảnh: NVCC.

Trong lời giới thiệu cuốn Thơ chọn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam viết: “Tập thơ đề cập đến nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề, nhiều cung bậc của cảm xúc và nhiều thông điệp trong cuộc sống. Nhưng với tôi, tư tưởng xuyên suốt tập thơ là ý nghĩa của kiếp người và những giá trị vĩnh hằng của đời sống.

Đọc xong tập thơ, tôi thấy hiện lên hai Cõi: Cõi người và Cõi thơ… Những bài thơ trong tập dựng lên một con đường thế gian và trên con đường thế gian ấy là bóng người, là kiếp người. Trong bóng người ấy, trong kiếp người ấy có một người mang tên Dương Kỳ Anh. Ông không phải là một hiền triết, mà là một thi sĩ. Ông đi qua mọi sáng tối, mọi buồn vui, mọi thăng trầm và chứng kiến bao phận người. Nhưng điều quan trọng nhất là ông chứng kiến chính ông và từ đó viết lên những câu thơ đầy tính minh triết về con người trong một thế giới trầm luân và bất trắc”.

z5206613205570 cf3715c4bf0d067a952e2f3376c4c041.jpg

Mở đầu tập thơ, độc giả sẽ được chạm đến những vần điệu tựa như bản tuyên ngôn của tác giả về cuộc sống:

"Đêm nay lạnh một mình trăng sáng

Một mình trăng

Một mình ta

Một mình hoa

Say đắm như thể ngàn năm rồi

Hoa ẩn mình chỉ để tỏa hương thôi"

- Hoa Mộc Lan -

Chất Thiền ẩn chứa trong từng câu chữ, đồng thời chất chứa tâm sự của tác giả: “Cả đời tôi chỉ đi tìm và nâng niu cái Đẹp - cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp tâm hồn, cái đẹp hiện sinh. Cả trong những lúc đắm chìm với nỗi cô đơn đối diện với cái Tôi, trong trái tim tôi vẫn cháy lên ngọn lửa yêu thương con người”.

Quả thật, để tìm kiếm chính mình, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã mải miết đi một chặng hành trình rất dài. Có lúc rộn ràng hoan ca, có khi lại độc hành với nỗi cô độc giữa cõi nhân gian mênh mông vô hạn. Ông sáng tác thơ như để giải phóng những ẩn ức trong cõi lòng và thể hiện xúc cảm đa chiều với mỗi con người có duyên phận với mình.

Thơ tặng vợ ngập tràn yêu thương có cả sự hối lỗi rất chân thành:

"Xưa tần tảo nuôi con

Bây giờ thì chăm cháu

Em vất vả trăm đường

Thế mà anh còn cáu…"

Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình lại đau đáu nỗi đau mất người thân và thắp lên tia hi vọng dù mỏng manh về chút di vật quý giá còn lại:

“Trước gió bão cuộc đời xô dạt

Giờ em nằm đâu trong đất lành Tổ quốc

Anh đi tìm phần mộ em suốt mười mấy năm trời

Anh đi tìm nắm đất - cuộc đời em

Chỉ gặp toàn kỷ niệm

Đứa em trai hay cười

Năm hạn hán mất mùa, em kéo cày

cho anh cày ruộng…”

Viết tặng con gái đang học ở xa, nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng không quên nhắn nhủ về con đường tìm về bản thể, quyết sống thật với lòng mình.

“Con phải đi qua hàng vạn dặm, qua tuyết, qua mưa, qua đói, qua rét

Để tìm chính mình

Tìm sự chân thật, tìm niềm đam mê

mà thượng đế chỉ ban cho những người nghệ sĩ…”.

-Gửi con gái ở xứ sở sương mù - 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng, mỗi người viết cần khẳng định cái Tôi bản thể có như vậy mới thăng hoa trong lao động, sáng tạo và ghi dấu ấn riêng.

Còn theo nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp: Ngôn từ trong những câu thơ thật giản dị, thật sáng tỏ nhưng lại tạo ra một cảm giác huyền ảo và nó phá đi mọi ranh giới. Chỉ có thơ ca làm được điều đó và thi sĩ Dương Kỳ Anh đã sở hữu những câu thơ ấy.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nhà thơ Dương Kỳ Anh tên thật Dương Xuân Nam, sinh 1948 tại Hà Tĩnh, là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, cựu Tổng biên tập báo Tiền Phong, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.  Ông có tên trong từ điển Danh nhân Văn hóa Thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Nhà thơ Dương Kỳ Anh được biết đến là người tiên phong khởi xướng đưa cuộc thi sắc đẹp danh tiếng dành cho phụ nữ đến với Việt Nam, do đó ông còn được gọi là "Cha đẻ của các cuộc thi hoa hậu Việt". Ông đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến 2008.

Một số giải thưởng VHNT: Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội 1988, Giải thưởng bài thơ hay do Báo Nhân dân tuyển chọn 1988, Giải Đặc biệt giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du với tiểu thuyết Xuyên Cẩm năm 2005.

Bản lĩnh nhà thơ là tự trọng trong sáng tạoNhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, bản lĩnh là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, đó là một phẩm chất đặc biệt phải mài giũa, trui rèn, thử thách qua thời gian.