Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) bày tỏ lo ngại một loạt nguy cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến. Một trong những hình thức phổ biến là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng hết sức tinh vi.

202411261106482971_z6070150217655_c898fec10836507337a260ee8a465ac7.jpg
Đại biểu Trình Lam Sinh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu dẫn chứng kênh Youtube của Quang Linh Vlogs đã bị chiếm đoạt hay công nghệ mới Deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân, cơ quan chức năng để tấn công, lừa đảo.

Chỉ trong một năm, số vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên Internet bị phát hiện và triệt phá là 1.100 vụ, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2023; số lượng đối tượng phạm tội là 529 đối tượng, tăng gần 24% so với năm 2023; số bị can khởi tố mới là 658 bị can, tăng trên 57% so với năm 2023.

Đại biểu Trình Lam Sinh nêu kết quả trong năm 2024 đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật, khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông.

Đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ nêu, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục dự báo và có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm...

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nói về hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng, các đường dây điều động, tín dụng đen qua mạng, kinh doanh, mua bán các mặt hàng mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang trở thành nỗi lo lắng trong người dân.

202411261038412561_z6070042255838_baecaa8f95db2fb6765f9df718b85ae7.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai. Ảnh: Quốc hội

Với một đất nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội lớn, theo ông Mai cần có sự đảm bảo an toàn, tránh những thiệt hại cho người dân.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đầu tư nguồn lực cho các lực lượng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. 

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nói về tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2024 đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới với trên 161 triệu thuê bao di động.

Bà Hương cho rằng nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị mua bán vẫn đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra phổ biến, gây ra nhiều hậu quả khó lường, gây rất nhiều bức xúc.

202411261016300920_z6069957700679_17a0d20fc693368997fcff89b4e3e2a8.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương. Ảnh: Quốc hội

"Người sử dụng không hề biết những thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt ra từ đâu và cũng không thể ngờ được rằng những thông tin thuộc phạm vi bí mật cá nhân lại có thể trở thành món hàng để các đối tượng mua bán, trao đổi. Số tiền các đối tượng thu được từ hành vi phạm pháp này không hề nhỏ.

Việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai, trắng trợn với những thông tin chi tiết được rao bán từ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ... Thậm chí các trang web còn ghi rõ số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ dễ dàng thương lượng, mua bán", đại biểu nêu.

Đại biểu kỳ vọng về luật dữ liệu sẽ giải quyết được các bất cập trên, đồng thời kiến nghị có giải pháp để bảo vệ thông tin của mỗi cá nhân.