Sáng 30/8, Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện An Minh năm 2024.​ Đây là huyện đầu tiên tổ chức diễn tập Phòng thủ dân sự của tỉnh.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh đến dự khai mạc. 

PCTT TKCN 1.jpg
Các lực lượng tổ chức thực binh diễn tập. Ảnh: KG

An Minh là địa phương có chiều dài bờ biển gần 37km, thường xuyên chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai cực đoan như áp thấp nhiệt đới, bão, giông lốc, triều cường dâng, xâm nhập mặn… Tuy địa phương đã chủ động nắm những diễn biến của thời tiết nhưng do đặc điểm tự nhiên, địa hình nên thiên tai vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là những hộ dân thuộc địa bàn 6 xã ven biển là Thuận Hòa, Tân Thạnh, Đông Hưng A, Vân Khánh Đông, Vân Khánh và Vân Khánh Tây.

Cuộc diễn tập này có đề mục: “Lực lượng vũ trang phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân huyện An Minh thực hành phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”.

Nội dung cuộc diễn tập trải qua 2 giai đoạn gồm tổ chức chuẩn bị ứng phó với bão và thực hành ứng phó với bão. Phần thực hành được thực hiện ở khu vực cửa sông vàm Xẻo Nhàu và cảng cá Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh.

Theo Ban chỉ đạo, đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn, với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang huyện An Minh và xã Tân Thạnh cùng các lực lượng phối hợp gồm các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn. 

PCTT TKCN.jpg
Diễn tập về tình huống trong quá trình ghe, thuyền vào tránh trú bão, lực lượng cán bộ, chiến sĩ đưa các ngư dân bị nạn đi cấp cứu. Ảnh: báo Kiên Giang

Đại tá Nguyễn Văn Ngành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự cấp huyện nhấn mạnh, cuộc diễn tập có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; trình độ tổ chức chỉ huy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ PCTT&TKCN của lực lượng vũ trang địa phương.

Ngày 28/8, tại xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắk Kạn, Ban chỉ đạo diễn tập huyện cũng tổ chức diễn tập PCTT&TKCN năm 2024. 

Ban chỉ đạo cho biết, khung diễn tập với nội dung vận hành cơ chế gồm: Hội nghị Đảng ủy xã thông qua kế hoạch PCTT&TKCN. Thực tế cho thấy trên địa bàn xã Yên Thượng có rất nhiều điểm khi có bão đổ bộ vào xảy ra tốc mái nhà và sạt lở ta luy, ngập úng cục bộ ở các khu vực như thôn Nà Huống, Nà Nhàm và Bản Bây. Trong khuôn khổ diễn tập, Ban chỉ đạo chọn thao trường là khu vực thôn Nà Nhàm. 

anh 6(9).jpg
Thực hành diễn tập và xử lý các tình huống diễn tập. Ảnh: BK

Phương án diễn tập thực binh được kết cấu gồm 2 tình huống: sơ tán nhân dân, tài sản ra khỏi vùng trọng điểm có nguy cơ giông lốc và thực hành khắc phục hậu quả giông, lốc, tìm kiếm cứu nạn.

Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả 2 phần diễn tập vận hành cơ chế và thực binh diễn tập đều bám sát tình huống, sự điều hành của Ban chỉ huy, đảm bảo nội dung, thời gian và trình tự các bước tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; an toàn tuyệt đối về người và phương tiện tham gia. 

Tương tự, ngày 27/8, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn tập bao gồm các nội dung: vận hành phương án, tuyên truyền vận động quần chúng sơ tán khi có bão; triển khai thực binh phương án khắc phục sự cố sạt lở bờ biển; khắc phục sự cố, cứu hộ, cứu nạn công trình bị sập; tìm kiếm cứu nạn trên sông và khắc phục hậu quả với tình huống giả định do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 kết hợp với mưa lũ gây ra thiệt hại về người và tài sản.

Dưới sự chỉ đạo, hiệp đồng chặt chẽ, cuộc diễn tập diễn ra đúng nội dung, kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, được Ban chỉ đạo diễn tập phòng chống lụt bão - TKCN tỉnh đánh giá cao.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn, qua diễn tập đã nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chỉ huy điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - PCTT&TKCN; trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng và năng lực tham mưu của chỉ huy và cơ quan Quân sự, các ban, ngành của xã nhằm hạn chế thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đồng thời, thông qua diễn tập làm cơ sở để bổ sung, hoàn chỉnh các phương án và kế hoạch PCTT&TKCN của xã; rút kinh nghiệm cho các cuộc diễn tập những năm tiếp theo đạt kết quả cao hơn. Từ đó tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ý thức chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối phó với thiên tai, bão, lụt.

Tại Thừa Thiên Huế, phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện Phú Vang kịp thời tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang trong triển khai công tác ứng phó với các tình huống xảy ra trên địa bàn. Chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó với các loại hình sự cố, thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản.

dien tap phu vang.jpg
Diễn tập tình huống cứu hộ cứu nạn sập đổ công trình tại tổ dân phố Viễn Trình, thị trấn Phú Đa. Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Qua đó, ông Bình nhấn mạnh, các ban, ngành, đoàn thể huyện Phú Vang cần đánh giá đúng năng lực của ngành, đơn vị mình; thông qua đợt diễn tập cần nâng cao nhận thức của người dân trong ứng phó với thiên tai, huấn luyện bổ sung những nội dung còn hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai hiện nay. Đồng thời, thông qua diễn tập lần này, huyện cần rút ra những bài học kinh nghiệm, bổ sung vào phương án PCTT&TKCN một cách cụ thể hơn; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế địa phương...

Sáng 31/8, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức diễn tập tại xã vùng trũng Quảng Thọ (huyện Quảng Điền).