Khi Đức chuẩn bị cho cuộc bầu cử bất thường vào tháng 2/2025, quá trình chuyển đổi sang giao thông thân thiện với khí hậu đang ở một thời điểm quan trọng. Các thông tin về khả năng sa thải nhân viên và đóng cửa một số nhà máy của Volkswagen (VW), cũng như lợi nhuận sụt giảm tại một số "ông lớn" ô tô Đức, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững lâu dài của ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng toàn cầu.
Đồng thời, mạng lưới đường sắt của Đức bị chỉ trích bởi các vụ trì hoãn và hủy chuyến, trong khi hệ thống đường bộ và cầu cống ngày càng xuống cấp.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc trì hoãn thêm sẽ chỉ làm tăng chi phí. Christian Hochfeld - Giám đốc tổ chức nghiên cứu giao thông Agora Verkehrswende, nhấn mạnh: “Càng chậm trễ, việc thực hiện càng khó khăn và tốn kém".
Sự chuyển đổi sang ô tô điện là đòn bẩy trung tâm để giảm lượng khí thải giao thông. Tuy nhiên, kế hoạch đạt 15 triệu ô tô điện trên đường vào năm 2030 của Chính phủ tiền nhiệm gặp khó khăn lớn, đặc biệt là sau khi chương trình trợ cấp kết thúc đột ngột, dẫn đến doanh số sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ở Đức phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Tesla và các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD. Trong khi, công nghệ xe tự lái, hệ thống thông tin giải trí và trí tuệ nhân tạo đòi hỏi kiến thức mới mà nhiều công ty Đức chưa thích nghi được.
Những căng thẳng trong ngành giao thông Đức diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về nền kinh tế tổng thể của quốc gia. Đức hiện đang bị gọi là "người ốm của châu Âu" do sự suy giảm trong hoạt động sản xuất, thị trường lao động yếu kém, giá năng lượng đắt đỏ khi xung đột Ukraine – Nga gia tăng...
Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Đức và EU, gây thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn. Hơn nữa, điều này có thể làm thu hẹp nguồn tài chính dành cho các chính sách giao thông đầy tham vọng mà chính phủ tiếp theo phải đối mặt.
Bất chấp những khó khăn, không phải tất cả các dấu hiệu đều tiêu cực. Theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), tỷ lệ xe điện trong tổng số xe được sản xuất đã đạt mức kỷ lục 38% vào tháng 10/2024. Xuất khẩu xe điện của Đức cũng tăng 60% vào năm ngoái, cho thấy ngành công nghiệp này vẫn có thể tận dụng tốt các cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng Đức cần nhanh chóng cải thiện khung chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong quá trình chuyển đổi này. Hildegard Müller - Chủ tịch VDA, nhấn mạnh "các điều kiện khung" là yếu tố then chốt để duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp Đức.
Chính phủ Đức tiếp theo sẽ đối mặt với một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn: vừa đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính, vừa thực hiện các cam kết khí hậu, và đảm bảo sự công bằng xã hội trong các chính sách di chuyển.
Cuộc bầu cử vào năm 2025 sẽ quyết định liệu Đức có thể chuyển mình thành công trong lĩnh vực giao thông hay không, hay sẽ tiếp tục bị tụt lại phía sau. Trong bối cảnh này, việc các chính sách giao thông có bị biến thành chủ đề tranh cãi chính trị hay không sẽ là yếu tố quyết định. Nếu Đức không thể khắc phục các vấn đề hiện tại, vị trí của nước này như một quốc gia đi đầu về khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục bị thách thức.
Theo Clean energy wire