Chúng ta đang hít hàng triệu hạt bụi mịn trong không khí
Tại tọa đàm mới đây với chủ đề “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội, thách thức cho Việt Nam và thế giới”, PGS. Hồ Quốc Bằng - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, các nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải.
Theo ông, với hơn 6 triệu xe máy và 690.000 ô tô, cùng khoảng 2.000 nhà máy tại Hà Nội, các hoạt động giao thông đường bộ phát thải ra các khí như NOx (87%), CO (92%), SO2 (57%), NMVOC (86%), CH4 (96%) và 74% PM2.5. Hoạt động sản xuất công nghiệp phát thải 39% khí SO2 tại Hà Nội.
TP.HCM có gần 7,4 triệu xe máy, 400.000 ô tô và 2.780 cơ sở công nghiệp phát thải. Trong đó, giao thông chủ yếu phát thải các chất ô nhiễm như: NO2, CO (97,8%), SO2 (37,7%), NMVOC (42,9%), CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 (18%).
“TP.HCM có chỉ số bụi mịn là 3, còn Hà Nội chỉ số từ 3-4”, GS Hồ Quốc Bằng nói.
Đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí, GS. Yafang Cheng - Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) nói: Khi chúng ta hít thở sâu, gần như tại thời điểm này, hít hàng chục nghìn, hàng triệu hạt bụi mịn trong không khí, là các xông khí hạt aerosol, gây ra cái chết cho hàng triệu người trên thế giới.
Dựa trên đánh giá nguyên nhân rủi ro, so sánh với số người tử vong bởi dịch Covid-19, GS. Yafang Cheng cho rằng, tình trạng ô nhiễm rất cấp bách, cần giải quyết nhanh chóng.
Diễn giả Prof. Daniel Kammen - Đại học California, Berkeley (Mỹ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho rằng, cần tăng cường các giải pháp cho sức khỏe không khí để giảm ô nhiễm.
“Chúng ta nói nhiều câu chuyện khác nhau nhưng không nhấn mạnh về lộ trình hay chính sách khác nhau. Chúng ta đã có các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng đã làm được gì?”, vị diễn giả này nêu vấn đề.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều khu vực, trong đó hoạt động giao thông vận tải là nguồn chính gây khói mù đô thị và suy thoái môi trường. Quá trình chuyển đổi hướng tới giao thông xanh như việc sử dụng xe điện đang cho thấy những cơ hội và thách thức đối với nỗ lực cải thiện chất lượng không khí.
Diễn giả Prof. Daniel Kammen dẫn chứng, tại các quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều xe điện. Đặc biệt, bang Califonia đã ký nhiều thoả thuận đến 2030 không bán xe còn phát thải. Ở San Francisco thúc đẩy công nghệ mạnh hơn để xe điện có thể tạo ra bình đẳng xã hội, mọi người có thể tiếp cận xe năng lượng sạch, từ đó thúc đẩy thành công giảm phát thải.
Hà Nội sẽ cấm xe máy, ô tô theo khung giờ?
Chiều 6/12, tại hội nghị thông tin về kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Ngọc Việt - Chánh Văn phòng HĐND TP, cho biết, các đại biểu đang quan tâm đến nhiều vấn đề, đề xuất nhiều nội dung, trong đó có vấn đề về môi trường, ô nhiễm không khí, rác thải; vấn đề giao thông…
Đáng chú ý, kỳ họp dự kiến sẽ xem xét, thông qua nghị quyết quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp tại Hà Nội.
Theo dự thảo nghị quyết trên, Hà Nội chỉ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp. Đồng thời sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp.
Dự thảo nêu rõ, sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Hà Nội cũng dự kiến sẽ ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Dự kiến từ năm 2025 đến năm 2030, thành phố sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực tại Hà Nội thuộc các tiêu chí nằm trong vùng phát thải thấp sẽ phải thực hiện.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội mới đây đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, đầu năm 2025, căn cứ vào đề xuất của các đơn vị vận tải và chấp thuận của UBND TP Hà Nội, 4 đơn vị vận tải triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. Tới năm 2035, Hà Nội sẽ chuyển đổi 50% sang xe buýt điện; 50% xe chạy bằng năng lượng CNG/LNG.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP Hà Nội khoảng 35.996 tỷ đồng và doanh nghiệp phải tự bố trí khoảng 12.629 tỷ đồng.