Sáng 30/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành luật để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành, thực hiện chủ trương của Đảng về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động KT-XH, góp phần hình thành, phát triển phương thức sản xuất số.

Các đại biểu tham gia ý kiến, thảo luận về chính sách phát triển công nghệ số, phân loại tài sản số, tiền số, dữ liệu số, nguồn nhân lực trong công nghệ số, khu công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và công nghiệp bán dẫn trí tuệ nhân tạo.

Tạo khuôn khổ pháp lý thực hiện mục tiêu chuyển đổi số

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là một dự án luật quan trọng, được kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ở nước ta.

Về phát triển trí tuệ nhân tạo, đại biểu Hiếu cho rằng, việc quy định như trong dự thảo là cần thiết. “Chúng ta đã biết hiện nay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng và có lợi ích nhưng cũng tồn tại rất nhiều vấn đề”, đại biểu Hiếu nói.

dai bieu hoang minh hieu.jpeg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - đoàn Nghệ An. Ảnh: QH

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), dự thảo luật đã quy định về khung pháp lý để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ mới như công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định các chính sách ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất cho các doanh nghiệp có liên doanh với nước ngoài.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số để giải quyết những tồn tại, bất cập trong thi hành quy định về công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006.

Việc ban hành luật nhằm bổ sung những chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển, đồng thời hạn chế những rủi ro nếu có trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số, nhất là trong lĩnh vực đặc thù như là công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đang có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

“Việt Nam cần có quy định riêng để điều chỉnh các lĩnh vực quan trọng này, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn cho nền kinh tế của đất nước. Do đó việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là hết sức cần thiết”, địa biểu Quân cho hay.

Công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

“Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, về công nghiệp công nghệ số. Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới thì Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

bo truong nguyen manh hung.jpeg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghiệp công nghệ số đã được Trung ương Đảng xác định là một ngành công nghiệp nền tảng, để thúc đẩy cuộc cách mạng chuyển đổi số. Công nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, có doanh thu bằng 1/3 GDP của đất nước, có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP từ 2-3 lần.

Công nghiệp công nghệ số là lõi của kinh tế số, hiện đang chiếm gần 60% tổng giá trị của kinh tế số. Trong cơ cấu công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 21,3% năm 2019 lên 31,8%, tức là đã tăng thêm trên 10% trong vòng 5 năm qua, khi chúng ta phát động chương trình Make in Việt Nam, nghiên cứu, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam và bởi Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước.

Công nghệ số không chỉ xử lý dữ liệu mà công nghệ số còn sinh ra dữ liệu, tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian sinh tồn mới là không gian số, tạo ra cách thức, mô hình vận hành mới, tạo ra cách mạng chuyển đổi số.

“Đây là điều quan trọng nhất và căn bản nhất. Vì thế mới nói, công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Về các vấn đề cụ thể, Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo. Luật Công nghiệp công nghệ số cũng dành một chương riêng cho công nghiệp bán dẫn. Dự thảo luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này, nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào luật để hỗ trợ cho công nghệ chiến lược này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung thêm về nội dung công nghiệp công nghệ số xanh vì công nghệ số sẽ là lĩnh vực tiêu dùng nhiều năng lượng nhất và cả rác thải điện tử. Công nghiệp công nghệ số sẽ không chỉ xanh mà còn phải tự cường và an toàn. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung tự cường, an toàn và xanh.