Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh phía cực Tây của Tổ quốc; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 93,6% dân số toàn huyện (Mông 64,4%; Hà Nhì 11,7%, Thái 10%, còn lại là các dân tộc khác).
Là một trong số những huyện nghèo nhất cả nước, kinh tế của Mường Nhé vẫn chưa phát triển, chủ yếu sản xuất nông nghiệp trên đất dốc; trình độ dân trí và đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Thực hiện đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, người dân Mường Nhé nỗ lực xóa đói giảm nghèo bằng cách làm tốt Ðề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Đề án hiện đang được huyện Mường Nhé thực hiện hiệu quả, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Ðể giúp người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Mường Nhé hỗ trợ trồng 110,39ha cây cỏ voi từ ngân sách huyện, đồng thời người dân tự trồng mở rộng thêm 75,63ha… Ngoài ra, huyện còn tiến hành chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn thuộc Chương trình khuyến nông của huyện với 6 lớp, 202 học viên.
Bên cạnh đó, huyện tích cực thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, triển khai định kỳ đợt 2 đợt/năm với tổng số các loại vắc xin tiêm là 67.230 liều, tỷ lệ tiêm đạt 65,7% tổng đàn gia súc trên địa bàn.
Ðến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Ðề án, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Mường Nhé ước đạt 17.776 con; trong đó, đàn trâu 12.195 con, đàn bò 5.581 con, tăng 633 hộ chăn nuôi và 2.042 con gia súc so với thời điểm trước.
Theo thống kê, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện Mường Nhé năm 2022 đạt 88,4 tỷ đồng. Tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 36,31% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, huyện Mường Nhé chỉ đạo rà soát và tổng hợp nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Tính đến nay, đã có 6.618 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi với tổng số tiền trên 311 tỷ đồng.