Hôm 20/5, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban bố lệnh cấm khẩn cấp sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái tầm cao của nước này bằng một khẩu tên lửa mặt đất, làm dấy lên lo ngại về an toàn của các máy bay dân dụng thương mại.
Theo FAA, các ứng dụng theo dõi đường bay cho thấy máy bay dân sự gần nhất chỉ đang bay cách chiếc máy bay quân sự không người lái 45 hải lý tại thời điểm nó bị bắn hạ.
“Có vô số máy bay dân sự khác đang vận hàng trong khu vực, khi vụ tấn công xảy ra”, cơ quan này cho biết thêm rằng lệnh cấm sẽ được áp dụng cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Nhiều tiếng đồng hồ trước đó, hãng United Airlines đã đình chỉ các chuyến bay từ sân bay Newark ở New Jersey đến thành phố thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ - chuyến bay có đường bay ngang qua không phận Iran.
Các hãng như Malaysia Airlines, Qantas Airways của Australia, Singapore Airlines và KLM của Hà Lan cũng cho biết họ đang thiết lập lại lộ trình của các chuyến bay để tránh khu vực đang có căng thẳng quân sự này.
FAA thể hiện sự lo ngại đối với tình hình gia tăng căng thẳng và các hoạt động quân sự ở phạm vi gần với các đường bay dân sự có mật độ cao, cũng như việc Iran sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa ở không phận quốc tế mà gần như không có cảnh báo trước nào.
Tháng 7/2014, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa trên bầu trời Ukraina, khiến cả 298 người trên máy bay thiệt mạng. Sự việc này đã khiến các hãng hàng không áp dụng các bước phòng ngừa chặt chẽ hơn để phòng tránh rủi ro với các máy bay của họ.
Lệnh cấm của Mỹ không áp dụng đối với các hãng hàng không nước ngoài, tuy nhiên tổ chức OPSGROUP – một tổ chức cung cấp tư vấn và hướng dẫn cho các hãng bay, cho biết các hãng hàng không quốc tế sẽ cân nhắc dựa trên lệnh cấm này.
“Kể từ vụ MH17, tất cả các nước đều tin vào lời khuyên từ Mỹ, Anh, Pháp và Đức để nhận biết các rủi ro không phận”, tổ chức này cho biết. “Khả năng một máy bay dân sự bị bắn rơi ở miền Nam Iran là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Anh Thư