Theo số liệu được cập nhật lúc 6h sáng nay (12/1) trên trang thống kê toàn cầu Worldometers, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến tổng cộng 323,7 triệu người nhiễm bệnh và trên 5,5 triệu người tử vong. Số hồi phục đạt 261,5 triệu trường hợp.

Không chỉ đứng đầu về số ca nhiễm mới (557.600), Mỹ còn đứng đầu về số ca tử vong mới (1.994). Nước này cũng ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở mức kỷ lục.

Tính theo khu vực, châu Âu bị Covid-19 tấn công dữ dội nhất, với hơn 98,5 triệu ca nhiễm. Tiếp đến lần lượt là châu Á với 87,7 triệu ca nhiễm, Bắc Mỹ 74 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ hơn 41 triệu ca nhiễm, châu Phi khoảng 10 triệu ca nhiễm và châu Đại Dương với 1,3 triệu ca nhiễm. 

{keywords}
Người dân xếp hàng để làm xét nghiệm Covid-19 ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Reuters 

Trung Quốc không phong tỏa Bắc Kinh

Nhà chức trách Trung Quốc thông báo sẽ không có kế hoạch phong tỏa thủ đô Bắc Kinh cho đến khi tổ chức Thế vận hội Mùa Đông và tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát kể cả Omicron xuất hiện.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại chỉ còn một tháng nữa là sự kiện thể thao toàn cầu bắt đầu nhưng dịch bệnh vẫn hoành hành ở một số thành phố, trong đó có Thiên Tân – nơi chỉ cách Bắc Kinh 150km.

Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn báo chí trực tuyến, Phó giám đốc cơ quan tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh, Huang Chun, khẳng định: "Tình hình hiện nay không cần thiết để có thay đổi, trừ trường hợp bùng phát dịch ảnh hưởng đến những người ở trong 'bong bóng khép kín'". Ông nhấn mạnh thêm, nhiều chuyên gia và đội ngũ y tế đang theo dõi sát sao biến thể Omicron.   

Học sinh tiểu học Malaysia được xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Kể từ tuần này, chính phủ Malaysia sẽ cho phép học sinh tiểu học tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Phía nhà trường sẽ chịu trách nhiệm cung cấp bộ kit xét nghiệm và những em được chọn thực hiện xét nghiệm sàng lọc sẽ phải nộp kết quả cho nhà trường.

Dự kiến Bộ Giáo dục Malaysia sẽ có thông báo chính thức giải thích về vấn đề này.

Theo Chiến lược Xét nghiệm Covid-19 toàn quốc của Bộ Y tế Malaysia trước đó, từ ngày 1/12/2021, mỗi tuần sẽ có 10% học sinh tiểu học được chọn ngẫu nhiên để tự xét nghiệm tại trường. Việc tự xét nghiệm bao gồm sử dụng bộ kit xét nghiệm nước bọt do Bộ Giáo dục cung cấp, và phải được hiện thực hiện dưới sự giám sát của giáo viên.

Với cách tiếp cận mới, các phụ huynh sẽ phải đảm bảo việc tự xét nghiệm diễn ra theo đúng quy trình do Bộ Y tế quy định, để các tiết học có thể diễn ra an toàn.

Nhật gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo nước này sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh với những người đến từ nước ngoài mà không phải là công dân hay thường trú nhân cho đến cuối tháng 2 tới.

Trao đổi với báo chí, ông Fumio khẳng định tình hình lây nhiễm biến thể Omicron ở Nhật đang diễn biến khác biệt rõ ràng với các nước ngoài. Do vậy, nước này sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới hiện tại. Nhật cũng sẽ giới hạn nhập cảnh ở mức khoảng 3.500 người/ngày.

Ngoài ra, theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, thường trú nhân từng đến 11 quốc gia, bao gồm Nam Phi, trong vòng 14 ngày cũng bị cấm nhập cảnh.

Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản đã được áp dụng từ ngày 30/11 sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được ghi nhận. Ban đầu, nước này dự kiến áp dụng các biện pháp kiểm soát tại biên giới trong vòng một tháng, qua đó cấm người nước ngoài nhập cảnh và yêu cầu công dân Nhật Bản cũng như thường trú nhân cách ly tại các cơ sở do chính phủ chỉ định khi trở về nước. Những ai được phép nhập cảnh đều phải làm xét nghiệm trong vòng 72 giờ trước khi xuất phát, và phải nộp giấy chứng nhận có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, họ cũng phải xét nghiệm tại thời điểm nhập cảnh và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu do biến thể Omicron, ngày 28/12, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ "tiếp tục có hiệu lực trong thời gian tới". 

Thanh Hảo

WHO cảnh báo hơn nửa dân số châu Âu nhiễm Omicron trong 2 tháng tới

WHO cảnh báo hơn nửa dân số châu Âu nhiễm Omicron trong 2 tháng tới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, hôm nay (11/1), cảnh báo hơn một nửa dân số châu lục này có thể sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.