Tờ Financial Times đưa tin, công ước này là kết quả đàm phán, soạn thảo của hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Canada, Israel, Nhật Bản và Australia trong suốt hai năm qua.

Một quan chức Mỹ nói rằng nước này “cam kết sử dụng công nghệ AI tôn trọng quyền lợi hợp pháp của công dân, cũng như các giá trị xã hội”.

Đây là thỏa thuận đầu tiên “có hiệu lực thực sự trên toàn cầu, bao gồm nhiều quốc gia khác biệt” có liên quan đến công nghệ AI.

2db9850efa17512a5a4374945064257d.jpeg
AI đang là mục tiêu quản lý của chính phủ các nước trên toàn thế giới. Ảnh: Yahoo News

Công ước khung về AI của Hội đồng châu Âu, do Ủy ban Trí tuệ nhân tạo (CAI) hoàn thiện dự thảo vào tháng 3, được Ủy ban Bộ trưởng Hội đồng châu Âu thông qua vào 17/5, dự kiến chính thức được ký kết tại Vilnius trong ngày 5/9.

Trong khi đó, Australia cho biết họ dự kiến đưa ra các quy tắc AI quản lý sự can thiệp của con người và tính minh bạch trong bối cảnh công nghệ này đang xuất hiện nhanh chóng tại doanh nghiệp và đời sống hằng ngày.

Dự thảo đề xuất các hướng dẫn yêu cầu có sự kiểm soát của con người đối với toàn bộ vòng đời hệ thống AI. “Giám sát nhằm can thiệp kịp thời nhằm giảm khả năng gây ra hậu quả và tác hại không mong muốn”.

Hiện tại, Australia không có bộ luật cụ thể quản lý AI, dù vào năm 2019, nước này đưa ra 8 nguyên tắc tự nguyện về việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Một báo cáo của chính phủ vừa công bố cho thấy các thiết lập hiện tại không đủ mạnh để giải quyết những tình huống rủi ro cao.

Bộ trưởng Công nghiệp và Khoa học Ed Husic cho hay, chỉ một phần ba doanh nghiệp sử dụng AI đang triển khai một cách có trách nhiệm liên quan đến an toàn, công bằng và trách nhiệm giải trình minh bạch.

“AI dự kiến tạo ra tới 200.000 việc làm tại Australia vào năm 2030. Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải được trang bị để phát triển và sử dụng công nghệ này một cách phù hợp”, ông Husic nói.

(Theo FT, Yahoo News)