Sẽ sớm có quy hoạch không gian biển

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, hồi tháng 6/2023 thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Sau 6 tháng ban hành, nhiều địa phương khi công bố quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đã mạnh dạn đưa chiến lược phát triển kinh tế biển vào quy hoạch. 

Với tư cách là đơn vị chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành, trong 6 tháng qua Bộ TN&MT cũng đang gấp rút hoàn thành nhiều đầu việc có liên quan đến các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, Bộ đang xây dựng quy hoạch không gian biển cho các thành phần kinh tế, ban hành các chính sách để mở rộng và thành lập mới các khu bảo tồn biển; đặc biệt là Bộ đang gấp rút xây dựng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng các khu vực biển.

Thực tế, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã thể chế hóa được cơ bản các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Mục tiêu cốt lõi là đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu từ biển và mạnh về biển.

Tuy nhiên, để khai thác được hết các lợi thế về tài nguyên biển theo hướng hiệu quả và bền vững thì các Nghị định, liên quan cần phải được thể chế hóa và cụ thể cho từng lĩnh vực. Ví dụ, về quản lý môi trường biển (nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển) phải được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Để quản lý vấn đề này, phải có các Nghị định giám sát các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển sao cho vấn đề nước thải từ đây phải được làm sạch trước khi đổ ra đại dương. 

Bài học Formosa năm 2016 vẫn còn nguyên giá trị khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức chịu tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển phải được luật hóa. Hoặc việc phát triển các khu bảo tồn biển (đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia); phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000 cũng phải đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Bởi, hiện nay không gian mặt nước khu vực ven biển là khá chật chội với nhiều ngành kinh tế.

Ví dụ, khu vực ven bờ hiện nay là nơi các rừng ngập mặn, khu bảo tồn biển đang bị các hoạt động: cảng biển/ vận tải biển; du lịch biển; nuôi biển cho tới điện gió cạnh tranh về không gian. Nếu không có những bản đồ quy hoạch lâu dài, có những chiến lược cho từng loại hình kinh tế biển sẽ gây hiện tượng cạnh tranh gay gắt. Ví dụ, việc đẩy ngành nuôi biển ra xa bờ cũng là giải pháp nhưng cũng cần có cơ chế hỗ trợ rõ ràng.

luat quan ly thu truong.jpg
 "Thời gian tới không gian biển sẽ có những quy hoạch rõ ràng cho từng thành phần kinh tế”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nói.

“Chiến lược biển quy định tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thời gian tới không gian biển sẽ có những quy hoạch rõ ràng cho từng thành phần kinh tế”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nói.

Sớm trình Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng các khu vực biển

Đáng chú ý trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, có 6 lĩnh vực được Bộ TN&MT tập trung từ nay cho đến năm 2030, gồm: Một, ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển các lĩnh vực kinh tế biển; phân vùng sử dụng không gian biển để khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thành xây dựng “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ” và “Quy hoạch không gian biển quốc gia”; xây dựng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng các khu vực biển để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định vào đầu năm 2024 tới.

Hai là thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc, đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Ba là bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn biển hiện có; nghiên cứu đề xuất thành lập các khu bảo tồn biển mới. Bốn là tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo và có hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai. Năm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Cuối cùng là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Trong 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nói trên, nhiều đầu việc đang được Bộ TN&MT quyết tâm thực hiện xong trong năm 2024 như sớm “phân vùng không gian biển”; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc, đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển nhằm đối phó với các thảm họa môi trường biển trong tương lai. Một trong những nội dung được Bộ TN&MT rất quan tâm trong năm 2024 chính là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong kiểm soát các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới như: rác thải nhựa biển, ứng phó sự cố tràn dầu...

“Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo là một trong 6 nhóm giải pháp được đề ra trong Chiến lược biển. Khi các địa phương có hành lang pháp lý đủ mạnh để áp dụng quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển như: lệ phí (về ô nhiễm, xả thải); lệ phí tham quan các khu bảo tồn biển… thì việc chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh; bảo vệ môi trường biển và hải đảo mới phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân kết luận.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV