Quy hoạch có nhiều nhưng… 

Tại Kỳ họp thứ 6, khi thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo, đại biểu (ĐB) Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề biển, đảo ít được đề cập, nhất là trong công tác quy hoạch. Theo ông Thi, quy hoạch các ngành kinh tế biển, quy hoạch không gian cho các ngành kinh tế sử dụng tài nguyên biển là việc làm cấp thiết và phải sớm thực hiện.

Theo ĐB Tạ Đình Thi, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương lớn của Đảng, được cử tri, nhân dân các cấp, các ngành, nhất là các địa phương có biển rất mong muốn và kỳ vọng chiến lược sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá...

124824767 2789663911298836 4776010316283850299 n.jpg
Quy hoạch các ngành kinh tế biển, quy hoạch không gian cho các ngành kinh tế sử dụng tài nguyên biển là việc làm cấp thiết và phải sớm thực hiện.

Thực tế đã chứng minh, kinh tế biển là một trong bốn trụ cột tăng trưởng của nước ta dựa trên tiềm năng kinh tế quốc gia, thời cơ của thời đại bên cạnh ba trụ cột gồm có nông nghiệp nhiệt đới, du lịch và đô thị. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xem xét, phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. 

Đồng thời các ngành, địa phương có biển đã và đang lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Những quy hoạch này sẽ là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những mục tiêu của Chiến lược. Bên cạnh đó, đến nay Chính phủ đã có 37/42 quy hoạch ngành quốc gia, 4 quy hoạch vùng liên quan trực tiếp đến biển trong số 6 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 27/28 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, phê duyệt. 

Tuy nhiên theo ĐB Tạ Đình Thi, qua nghiên cứu và khảo sát của các Ban của Quốc hội cho thấy, những vấn đề biển, đảo cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong các quy hoạch trên. Bởi, những quy hoạch liên quan tới khai thác và sử dụng tài nguyên biển và hải đảo có tính chất liên ngành, liên vùng. Tuy nhiên tư duy tiếp cận của các bản quy hoạch liên quan đến biển kể trên chủ yếu mang tính chất đơn ngành, cục bộ địa phương. 

Thậm chí thông tin dữ liệu đầu vào cho các bản quy hoạch không đồng bộ, thiếu cả về số lượng, chất lượng dẫn tới việc đánh giá hiện trạng, tiềm năng tài nguyên biển phục vụ công tác dự báo, xây dựng các bản quy hoạch khó đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. ĐB Tạ Đình Thi ví dụ, hiện Việt Nam mới khảo sát, điều tra được 37% diện tích biển ở bản đồ tỷ lệ 1/500.000. Với 1 triệu km2 biển Việt Nam đang sở hữu, thông tin dữ liệu tài nguyên về biển như vậy là quá ít ỏi, khiến các bản quy hoạch không sát thực tiễn.

Cần sớm có quy hoạch, phân định không gian biển

Cùng chung nỗi trăn trở như ĐB Tạ Đình Thi, nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho rằng, Việt Nam cần sớm Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và lập Quy hoạch định hướng sử dụng không gian biển cho các ngành kinh tế ngoài khơi. Bởi theo TS Toán, xu thế phát triển các ngành kinh tế biển từ 1990 đến nay và từ nay đến năm 2050 sẽ rất khác nhau. Do đó, bố trí sử dụng không gian biển hiệu quả, nhất là dành không gian cho những ngành được coi là mũi nhọn trong 6 ngành kinh tế biển đã được xác định là việc làm cấp thiết và cần phải được tính toán sao cho hiệu quả nhất.

Cụ thể, nói đến kinh tế biển là nói tới nuôi biển, đóng tầu, cảng biển/logistic, dầu khí, đánh cá, điện gió… Vậy không gian cho mỗi lĩnh vực này ra sao, định hướng phát triển thế nào là việc cần phải tính toán. Nếu như trên đất liền, chúng ta có các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh/thành; cụ thể hơn là các quy hoạch về chuyên ngành (như quy hoạch giao thông, quy hoạch đất đai…) thì trên biển cũng cần những bản quy hoạch tương tự như vậy.

Nếu nhìn vào các bản khảo sát tài nguyên biển, ngoài một số bản đồ chi tiết của các ngành như dầu khí, logistic thì con số 37% diện tích biển mới có bản đồ tỷ lệ 1/500.000 là điều khiến nhiều người không khỏi ái ngại. Bởi, không hiểu về biển (địa hình, địa chất, thủy văn, tài nguyên…) thì chúng ta quản lý đã khó chưa nói tới khai thác hay định hướng phát triển. Các bản quy hoạch có thể đưa chiến lược kinh tế biển đi xa thì rất cần các thông số dữ liệu đầu vào chi tiết, không thể “thày bói xem voi” và đưa ra những dự báo chủ quan hoặc mơ hồ.

TS Toán ví dụ, đơn cử như việc phân định ranh giới trên biển giữa 28 tỉnh thành có biển đang gặp nhiều khó khăn cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng các quy hoạch trên biển, không rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương có biển với nhau… Quay lại với ĐB Tạ Đình Thi, ông Thi cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cập nhật các quy hoạch về biển, đảo theo đúng chủ trương của Đảng.

Đồng thời, hoàn thiện và sớm đưa vào vận hành cơ chế điều phối liên ngành, liên địa phương có biển, tổ chức phân định ranh giới hành chính trên biển giữa các địa phương làm cơ sở quản lý biển một cách hiệu quả. Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thông tin dữ liệu biển và hải đảo theo đúng chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phục vụ tốt cho công tác cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan, trong đó có việc tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển.

Nam Phương