Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích tự nhiên 1.668km2, dân số gần 2 triệu người với 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn.
Sau bốn năm được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định vẫn không ngừng nỗ lực nâng cao các tiêu chí, đổi thay toàn diện bộ mặt nông thôn. Các miền quê đáng sống giờ đây không chỉ khang trang, sạch đẹp mà còn ngày càng ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh.
Thống nhất trên nền tảng công nghệ số trên toàn tỉnh
Theo UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số trên toàn tỉnh.
Theo đó, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số (CĐS).
Có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã (HTX), 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
UBND tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về CĐS trong ngành nông nghiệp; trọng tâm giới thiệu các giải pháp thúc đẩy CĐS ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Giới thiệu các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc CĐS ngành nông nghiệp như: Hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm và nền tảng truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; Cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi; Cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy CĐS cho các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp, người dân và các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh cũng tổ chức tập huấn cho 300 hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm quy mô hàng hóa tại 31 xã, thị trấn của huyện Ý Yên và 18 xã, thị trấn của huyện Vụ Bản kiến thức, kỹ năng để tham gia sàn thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng Mobile Money trong thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch thông thường hàng ngày như đi chợ, thanh toán tiền điện, tiền nước.
Nam Định đặc biệt coi trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, xóm. Trong đó đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải cải tạo, nâng cấp, xây mới 437,7 km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 18.870 tỷ đồng; đồng thời đã huy động các nguồn lực trong tỉnh để cải tạo nâng cấp và xây dựng mới được 8.422 km đường giao thông nông thôn; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 7.239 cầu, cống dân sinh; lắp thêm 10 cụm đèn tín hiệu giao thông ở các huyện. Đến năm 2018 có 100% số xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 21,1% so với năm 2015 và tăng 98,1% so với năm 2010.
Toàn tỉnh đã có trên 1.000 km tuyến đường hoa
Môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện đáng kể. Các địa phương phát động và tổ chức phong trào trồng cây bóng mát và trồng hoa bên lề đường trục xã, thôn, xóm. Toàn tỉnh đã có trên 1.000 km tuyến đường hoa.
Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Nam Định xây mới, cải tạo, nâng cấp 83 chợ nông thôn, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa của nhân dân và giữ gìn nét đẹp truyền thống của phiên chợ vùng quê. Hiện có 100% số xã đạt Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tăng 10,5% so với năm 2015 và tăng 74,2% so với năm 2010.
Cải tạo, nâng cấp, xây mới 166 trạm y tế xã và bổ sung các thiết bị, dụng cụ y tế cho các trạm. Đến nay có 100% số xã đạt Tiêu chí y tế, tăng 25,8% so với năm 2015 và tăng 79,4% so với năm 2010.
Về hạ tầng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Nam Định hoàn thành xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng 58 dự án cấp nước sạch nông thôn; xây dựng mới 96 lò đốt rác; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 106 bãi chôn lấp xử lý rác thải sinh hoạt, xây mới trên 13.000 hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi và trên 24.000 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng
Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường ở nhiều địa phương được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân nông thôn.