Tại xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, sóng wifi đã được phủ khắp các thôn, xóm, giúp người dân có thể truy cập Internet dễ dàng ở mọi nơi trên địa bàn, cập nhật thông tin, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện và địa phương bằng điện thoại. 

Hệ thống truyền thanh được kết nối bằng điện thoại thông minh ở xã Trực Tuấn.

Thôn Nam Lạng Tây được xã định hướng lựa chọn xây dựng thôn thông minh và được lắp đặt điểm wifi miễn phí tại Nhà văn hóa thôn phục vụ nhu cầu truy cập Internet của người dân. Với quyết tâm xây dựng thôn thông minh, cán bộ thôn phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các phần mềm, sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu và chuyển đổi số như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy chữa cháy, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn… 

Bên cạnh đó, thôn đã thành lập trang thông tin của các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo với đông đảo hộ dân trong thôn tham gia. 

Bí thư Chi bộ thôn Nam Lạng Tây Trần Xuân Vượng cho hay, "Chỉ cần một thao tác đơn giản là bà con có thể đăng thông tin lên nhóm Zalo của thôn. Nhờ đó, mọi người có thể dễ dàng nắm bắt, tham gia thực hiện các công việc cần làm của chi bộ, của thôn”.

Cũng nhờ xây dựng thôn thông minh, các hoạt động xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như kêu gọi huy động xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, lắp đặt camera giám sát an ninh được người dân nhanh chóng hưởng ứng và tham gia. Hiện các hành vi bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, xô xát sau va chạm giao thông… đều được phát hiện, xử lý, hòa giải kịp thời, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự.

Từ hiệu quả của mô hình điểm thôn thông minh Nam Lạng Tây, xã Trực Tuấn đang tổ chức cho các thôn khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm để triển khai nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn xã.

Được biết, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu. Trong đó chuyển đổi số phải bắt đầu từ nông dân và sản xuất nông nghiệp để phát huy hiệu quả các tiềm năng của nông thôn trong bối cảnh hiện nay.  

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. 

Tỉnh cũng tổ chức các buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tự doanh, tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ web-GIS trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, đê điều; dữ liệu chăn nuôi… theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xây dựng nông thôn mới thông minh. Qua đó thúc đẩy người dân mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. 

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương triển khai Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến. 

Tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và phát triển được 39 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch. 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm. Hơn 200 sản phẩm nông nghiệp của 60 doanh nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử VOSO, POSTMART. 

Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: gạo Toản Xuân, ngao sạch Lenger, nông sản sấy Minh Dương, muối sạch Nam Định... 

Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng Mobile money trong thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch thông thường hàng ngày như đi chợ, thanh toán tiền điện, tiền nước….

Thuý Vi