Giao Phong là một trong 6 xã ven biển của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, với hơn 6.800 nhân khẩu ở 11 xóm. Đảng bộ xã có 380 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ; người dân xưa nay cần cù, năng động, giỏi trồng màu và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. 

Với điểm xuất phát thấp, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới của UBND tỉnh, UBND huyện; sự đồng lòng của người dân nên xã đã nhanh chóng bứt phá, lột xác và chuyển mình mạnh mẽ. Từ một xã nghèo ven biển, đến nay Giao Phong đã trở thành địa phương có thu nhập cao, nằm trong top đầu của huyện.

Cuối năm 2022, Giao Phong trở thành xã đầu tiên của huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nổi trội về lĩnh vực giáo dục.

Nhà văn hóa quy mô, khang trang của xã Giao Phong. 

Ngoài sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ, thương mại, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Hiện xã chỉ còn dưới 1% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Quá trình xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí kiểu mẫu, xã Giao Phong đã huy động 196.663 triệu đồng để thực hiện.

Theo danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025, Giao Phong được chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh.

Một trong những tiền đề để xã Giao Phong thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới thông minh là điểm sáng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống ở xóm Lâm Phú. Hiện nay, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm, đồng thời xã đã triển khai lắp đặt mạng wifi miễn phí ở 8 điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng,...). 

Mạng wifi miễn phí phủ sóng tại Bộ phận Một cửa của UBND xã, Trạm y tế xã. Đường truyền kết nối Internet băng thông rộng tốc độ từ 100 Mbps trở lên, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác an toàn, an ninh thông tin theo quy định hiện hành. Tại các trường học, nhà văn hóa xóm, điểm bưu điện văn hóa xã đều có mạng wifi miễn phí.

Nhà văn hóa xóm rộng 500m² được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao. Tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ đạt tới 80%. Nhiều mặt hàng nông sản đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch qua Internet, mạng xã hội...

Sản phẩm chủ lực của xã là khoai tây với diện tích 32,4 ha. Xã triển khai ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực. Vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng theo quy định. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt 12%.

Xã đã triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội. 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được gắn biển địa chỉ số. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 95%.

Song song đó, xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 - 4, kết quả số hóa thủ tục hành chính, kết quả thanh toán trực tuyến… đều đạt mức cao.

Xã hiện có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử. 

Thời gian thực hiện thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh đối với Giao Phong là từ nay đến năm 2025. Dự kiến tổng kinh phí triển khai mô hình khoảng 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách đối ứng của địa phương.

Ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Giao Thủy cho biết: “Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Giao Thủy đến năm 2022 đã vượt kế hoạch trên 20%. Chúng tôi có 17/22 xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có xã Giao Phong. Thời gian tới, huyện Giao Thủy sẽ tiếp tục phấn đấu có thêm 6 xã, gồm 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, Chương trình chuyển đổi số được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng được công tác chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn huyện nói chung và khu vực nông thôn nói riêng tương đối cao.

Tuy nhiên, một số bộ phận người dân có nhận thức còn hạn chế về chuyển đổi số. Do chuyển đổi số là lĩnh vực có nhiều nội dung mới, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh của những người lớn tuổi còn hạn chế; công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác chuyển đổi số”. 

Xuân Ngọc, và nhóm PV, BTV