Nam Định định hướng thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng.

Với mục tiêu thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn, đưa công nghiệp của Nam Định trở thành ngành kinh tế chủ đạo, tỉnh Nam Định gia tăng các chương trình, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. 

Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện...

Ảnh minh hoạ

Đối với lĩnh vực đóng tàu cần tái cơ cấu sản xuất đảm bảo ổn định và phát triển. Gia tăng năng lực đóng mới và sửa chữa nhóm sản phẩm tàu trọng tải trên 50 nghìn DWT. Từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ khả năng đóng các loại tàu có trọng tải lớn hơn (tương đương 50 nghìn - 100 nghìn DWT). Đặc biệt khuyến khích đầu tư công nghệ lắp ráp và chế tạo các loại tàu chất lượng cao (du thuyền, tàu cao tốc...) với công nghệ 4.0. 

Lĩnh vực công nghiệp lắp ráp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy cần chú trọng vào phân khúc thị trường xe khách, xe chuyên dụng, xe bán tải, xe tải dưới 5 tấn với chất lượng và tỷ lệ nội địa hoá cao. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất linh phụ kiện cho các tập đoàn lắp ráp, phân phối lớn. Đồng thời đầu tư máy móc chuyên dụng hướng tới phát triển ngành chế tạo phụ tùng phục vụ dịch vụ sửa chữa. 

Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, kim khí tiêu dùng, theo hướng nâng cao chất lượng, độ bền các linh kiện chủ chốt, tối ưu hoá thiết kế để nâng cao tuổi thọ thiết bị, vận hành và bảo dưỡng thuận lợi tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường. Phát triển ngành đúc - luyện kim theo hướng chuyên sâu với quy mô lớn, làm chủ các công nghệ chế tạo và gia công các loại vật liệu có tính năng vật lý ưu việt, chú trọng đầu tư thiết bị có chất lượng nhằm giảm tiêu hao năng lượng cũng như ổn định chất lượng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nam định còn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chú trọng đến các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 để có cơ hội thay đổi đột phá. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí của tỉnh.

Nam Định xác định ưu tiên bố trí không gian phát triển công nghiệp cơ khí tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Thành Nam