Mới đây, Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (mã: ICN) thông báo, ngày 18/5 là ngày chốt chốt danh sách cổ đông được chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.000 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức là ngày 8/6.

Thực tế, ICN đã thực hiện 3 đợt tạm ứng cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 150% bằng tiền mặt, gồm 45% cổ tức đợt 1 được thanh toán vào cuối tháng 10/2022, đợt 2 với tỷ lệ 60% được trả ngày 17/1 và đợt 3 là 45% được trả vào ngày 24/3.

Nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tỷ lệ cao. (Ảnh: Hoàng Hà)

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường năm 2022, ICN đã thông qua điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh với cổ tức điều chỉnh tăng từ 45% lên 250%, trong đó cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 70%, còn lại là bằng tiền mặt.

ICN hiện có vốn điều lệ xấp xỉ 120 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty IDICO (mã: IDC) là công ty mẹ nắm giữ 51% vốn.

Tương tự, HĐQT CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP) vừa ra quyết định trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt của năm 2022 với tỷ lệ 53%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.300 đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, BMP đã tạm ứng cổ tức lần 1/2022 với tỷ lệ 31% bằng tiền mặt. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2022 của BMP là 84% bằng tiền mặt, đúng như kế hoạch BMP đã thông qua tại Đại hội cuối tháng 4/2023 và tăng mạnh so với tỷ lệ 26% của năm trước đó.

Trong năm 2022, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 5.825 tỷ đồng, tăng 27,6% so với năm trước và hoàn thành 102,5% kế hoạch (kế hoạch doanh thu 5.680 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 694 tỷ đồng, tăng 225% và hoàn thành 155% kế hoạch (kế hoạch lãi 448 tỷ đồng).

CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (mã: CAP) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu niên độ 2021-2022 với tổng tỷ lệ 70%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/5.

Trong đó, CAP sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 42%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 4.200 đồng. Ngày thanh toán là 17/5. Với hơn 7,85 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CAP cần chi gần 33 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.

Đồng thời, CAP sẽ phát hành 2,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 28%. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của CAP tăng lên gần 101 tỷ đồng.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* AMD: CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone thông báo cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 lần 2 tiếp tục bất thành do số lượng cổ đông tham dự không đáp ứng đủ theo quy định.

* HPG: Theo Tập đoàn Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ thép trong tháng 4 giảm 24% so với cùng kỳ và giảm 8% so với tháng trước. Trong đó, tiêu thụ 239.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), cao nhất kể từ đầu năm, nhưng sản lượng bán thép xây dựng chỉ đạt hơn 214.000 tấn, giảm 28% so với cùng kỳ.

* TLP: Theo BCTC hợp nhất quý I/2023, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.511 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng quý 1 đạt gần 26 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.

* BVH: Theo Tập đoàn Bảo Việt, hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ nhưng lợi nhuận tài chính tăng 23% và lợi nhuận công ty liên kết gấp 2,6 lần cùng kỳ đã giúp lợi nhuận ròng của BVH tăng 10% trong quý I/2023, đạt hơn 528 tỷ đồng.

* NRC: CTCP Tập Đoàn Danh Khôi cho biết trong quý I/2023, doanh thu thuần đạt 0 đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 1 triệu đồng. Kết quả, NRC lỗ ròng gần 17 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỹ lãi gần 3 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp NRC thua lỗ.

* NTP: Theo BCTC hợp nhất quý I/2023, doanh thu của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tăng 20% so với cùng kỳ đạt 1.300 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế giảm 21% chỉ đạt 118 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi ngân hàng tăng 8 lần so với đầu năm đạt gần 980 tỷ.

* TTF: CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành thông báo thoát lỗ trong quý I/2023 nhờ vào doanh thu hoạt động tài chính, dù mảng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ.

* HBC: Công ty Xây dựng Hòa Bình vừa công bố mua lại trước hạn đối với mã trái phiếu HBCH2225002 phát hành ngày 31/10/2022. Giá trị mua lại là 10 tỷ đồng, trong số 94.6 tỷ đồng đang lưu hành. Giao dịch được thực hiện vào ngày 28/4.

* CLM: CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/5. Với 11 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CLM cần chi 33 tỷ đồng để hoàn tất chi trả cho cổ đông. Ngày dự kiến thực hiện vào 25/5.

* QST: CTCP Sách và Thiết bị Trường học Quảng Ninh thông báo chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/5. Với tỷ lệ thực hiện 18% và 3,24 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính QST cần chi hơn 5,8 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả này. Ngày thực hiện dự kiến vào 26/5.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 8/5, VN-Index đạt 1.053,44 điểm.

Theo VCBS, về góc nhìn kỹ thuật, cho thấy sự lạc quan đang dần xuất hiện. Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ có một vài phiên rung lắc trong biên độ hẹp quanh ngưỡng điểm này và sẽ tiếp tục nối dài đà tăng điểm, vượt ra khỏi vùng mây đỏ.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từ 15 – 30% tài khoản với những cổ phiếu đã có chuỗi phiên tích lũy tốt và bật tăng trở lại thuộc các nhóm ngành đang thu hút lực cầu như chứng khoán, hóa chất.

Theo chứng khoán Asean, trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.055 – 1.060 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.065 – 1.070 điểm.

Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.