Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Nậm Rốm, ôm trong mình ký ức Điện Biên của Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

Ký ức về một dòng sông

Rất nhiều người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã mang trong mình một phần ký ức về Nậm Rốm. Trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Lại Văn Năm, người lính công binh năm xưa, đơn vị được giao đánh sân bay Hồng Cúm, hiện sống ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên kể với tôi, ông đã bao lần giấu mình dưới sông Nậm Rốm, đi trinh sát, nắm tình hình, tìm vị trí sơ hở của địch để có thể cùng đồng đội nổ bộc phá đánh hàng rào thép gai tạo đột phá khẩu để đơn vị xung phong đánh chiếm các mục tiêu. Trời mưa rét, trên đầu đạn bay, dưới sông nước chảy, hai hàm răng nghiến chặt để khỏi va vào nhau, khỏi bị lộ. 

dap nam rom thuoc phuong him lam nam o cua ngo thanh pho dien bien phu anh tl.jpg
Đập Nậm Rốm thuộc phường Him Lam, nằm ở cửa ngõ Thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Vietnamplus

Ông Nguyễn Văn Khả, ở gần nhà ông Năm là chiến sĩ cối 82, cùng đơn vị hành quân từ Lào về tham gia chiến dịch ở đợt tấn công thứ hai. Về bên sông Nậm Rốm, đơn vị được giao, nếu không tấn công hạ được cứ điểm thì sẽ đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên tràn vào hầm hào công sự để dễ bề công đồn. Lúc ấy cả đơn vị còn 21 quả đạn pháo 82, bắn dồn dập suốt hai ngày, cứ điểm được giải quyết, không phải dùng đến phương án ngăn sông.

Những người còn sống kể lại như thế, còn những người đã chết? Biết bao liệt sĩ đã hy sinh bên dòng sông này. Những ký ức về người thân và quê hương sông đã giữ hộ những người lính trẻ. Sau ngày chiến thắng, ông Năm và ông Khả lại về bên sông Nậm Rốm, làm công nhân Nông trường Điện Biên, cùng những hạt phù sa bồi đắp từ sông làm nên màu xanh tái sinh chiến trường xưa. 

Dọc bờ sông Nậm Rốm, sau khi nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, để xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm, Pháp đã xây dựng hai cây cầu bắc qua con sông ngăn cách phân khu trung tâm thành hai nửa tả ngạn và hữu ngạn, một chiếc là cầu phao ở hạ nguồn, chiếc còn lại là cầu Bailey ở phía thượng nguồn. Ở gần cầu Bailey, Pháp đã chọn một khoảng đất trống tại bản Mường Thanh (nay thuộc phường Thanh Trường) để xây dựng kho vũ khí đạn dược. Nhưng sau đó lo sợ vào mùa mưa nước lũ có thể dâng cao, kho vũ khí đã được chuyển về khu Dominique, dưới chân Đồi D1. 

Buổi chiều lịch sử 7/5/1954, bộ đội ta đã vượt qua cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm này, tiến vào giải phóng khu trung tâm, kết thúc Chiến dịch lịch sử. Đến nay, sau 70 năm, cầu Bailey mà ta gọi là cầu Mường Thanh, vẫn giữ dáng hình xưa như một lát cắt của lịch sử bắc ngang dòng Nậm Rốm.

Tìm cha trong phù sa Nậm Rốm

Đã có biết bao câu chuyện tìm cha suốt dọc dài mấy chục năm kể từ năm 1954. Trong những câu chuyện tìm cha ấy tôi không thể nào quên câu chuyện của Đại tá Hà Văn Tuyên, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ, Cục Công tác Đảng, Công tác Chính trị, Bộ Công an. Cha của anh là liệt sĩ Hà Văn Nọa, một tấm gương chiến đấu anh dũng kiên cường. Hà Văn Nọa là Đại đội trưởng Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Ông đã từng tham gia chiến dịch biên giới, bị thương, mất một bên tay nhưng vẫn xung phong đi chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Đại đội trưởng Hà Văn Nọa chính là người đã kịp thời phát hiện việc trinh sát nhầm vị trí qua suối và khoảng cách đến Đồi Him Lam, anh đã khẩn thiết đề nghị hoãn trận mở màn của chiến dịch dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/3/1954. Chỉ huy Đại đoàn đã cho kiểm tra, sau đó lùi trận đầu tiên lại hai ngày, một phần nhờ đó mà trận đánh Him Lam diễn ra vào lúc 17 giờ 10 phút ngày 13/3/1954, ta đã chiến thắng oanh liệt, xé tan cụm cứ điểm mà người Pháp coi là pháo đài bất khả xâm phạm. 

Trong trận mở đầu này, đại đội của Hà Văn Nọa cũng là đại đội chủ công, chiến đấu oanh liệt, đem lại chiến thắng mở màn của chiến dịch. Ở đợt tấn công thứ hai của ta diễn ra vào ngày 30/3/1954, theo ý đồ táo bạo của ta, Đại đội trưởng Hà Văn Nọa đã dẫn Đại đội 243 vượt qua quãng đường độc đạo dài và hẹp giữa Đồi D và Đồi E để luồn sâu vào trung tâm cứ điểm. Trận đánh diễn ra quyết liệt, lính Pháp bỏ chạy tán loạn về phía sông Nậm Rốm để về khu trung tâm Mường Thanh. Đại đội trưởng Hà Văn Nọa đã dẫn hai mươi chiến sĩ truy kích. Đến bờ sông Nậm Rốm, tại đây, trong trận đánh giáp lá cà, vũ khí cạn kiệt, anh lại chỉ có một tay, nên cùng với số chiến sĩ còn lại của Đại đội 243 anh đã anh dũng hy sinh. Thế nhưng, phần mộ của Hà Văn Nọa và đồng đội mãi sau này vẫn chưa được tìm thấy. 

bo doi ta vuot cau muong thanh tien vao khu trung tam chieu 751954 anh tl2.jpg
Bộ đội ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm, chiều 7.5.1954. Ảnh: TL

Theo sử sách của Đại đoàn và qua lời kể của những người biết về cái chết của cha, Đại tá Hà Văn Tuyên đã bao lần lên Điện Biên mong tìm thấy chút di cốt cha mình, người cha mà ông lớn lên chỉ được biết qua lời kể. Lần nào có tin phát hiện hài cốt liệt sĩ bên sông Nậm Rốm ông cũng có mặt, nhưng khi thì đó là mộ tập thể xương cốt đã trộn vào nhau, khi thì vẫn phân định được từng bộ nhưng các hài cốt đều có đủ hai tay, trong khi lúc hi sinh cha của ông chỉ còn có một tay, đó cũng là đặc điểm duy nhất để ông nhận diện di cốt cha mình. 

Ít ai biết rằng, bài hát Tìm cha, kể về câu chuyện những người con của những liệt sĩ - chiến sĩ Điện Biên trong hành trình khắc khoải tìm cha, của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, do Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung viết lời, cảm hứng từ chính câu chuyện của Đại tá Hà Văn Tuyên. Bao năm con đi tìm cha/ Đồi A1 dọc cánh đồng Mường Thanh/ Các nghĩa trang liệt sĩ vô danh/ Bạt ngàn, san sát mộ bên nhau/ Trước nghĩa trang chiều nay/ Giữa màu trắng mênh mông nhức mắt/ Không thấy tên cha/ Con chỉ biết cha là dũng sĩ Điện Biên. 

Biết bao dòng sông đi vào thơ, vào nhạc bằng vẻ duyên dáng, trữ tình, còn sông Nậm Rốm đã vào thơ nhạc với những lời ca khiến người nghe cay mắt: Đuổi giặc tới bờ sông Nậm Rốm/ Cha hy sinh trong trận giáp lá cà/ Máu cha thấm ướt đất này/ Cho Điện Biên xòe hoa chiến thắng. Bây giờ, người con tìm cha Hà Văn Tuyên cũng đã về với tổ tiên, ở nơi xa ấy không hiểu ông đã gặp được cha mình, khát vọng tìm cha liệu đã được toại nguyện? Còn ở trên mặt đất, con trai của ông, anh Hà Văn Thân, lại tiếp tục hành trình ấy.

Trên đất Điện Biên, những lời hát tìm cha bây giờ đã hóa tìm ông, bay bảng lảng trên sông Nậm Rốm, trên những ngọn gió vờn sóng lúa Mường Thanh. 8 nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên với 6.600 phần mộ, chỉ có 705 phần mộ có tên đầy đủ, 653 phần mộ có một phần thông tin, còn lại 5.285 phần mộ không có thông tin. Máu xương các liệt sĩ đã hòa vào đất đai cây cỏ của Điện Biên, quyện vào phù sa Nậm Rốm, hóa giải những nỗi đau riêng trong chiến thắng chung của dân tộc.

Khởi sinh dòng mát tưới nên xanh

Trong những ký ức của Nậm Rốm, hẳn không thể không có công trình thủy lợi làm thay đổi vùng đất lòng chảo Điện Biên những năm sau hòa bình. Công trình thủy nông Nậm Rốm chính thức được khởi công xây dựng ngày 3/10/1963, với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những thanh niên xung phong đến từ Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ đã về đây chung tay “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Mấy nghìn ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt, con đập tràn dài 60m, cao 9m, rộng 11m chặn dòng Nậm Rốm mới thành hình, đổi lại, 18 công nhân đã vĩnh viễn nằm lại với Nậm Rốm. 

ttxvn daithuynong4jpg.webp
Kênh hữu của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - Pá Khoang, cùng với kênh tả cung cấp nước tưới cho cánh đồng Mường. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Những năm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, cùng với Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, là hai công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc lúc đó, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Có những mùa mưa bom Mỹ thả, giao thông bị chia cắt, Điện Biên bị cô lập, cả công trường thiếu lương thực, những công nhân về xây dựng công trình đã phải ăn ngô bung trừ bữa. Năm 1969 công trình cơ bản hoàn thành, tiếp đó, hồ chứa nước Pá Khoang được xây dựng rộng 600 ha, năm 1979 đi vào sử dụng. Công trình Đại thủy nông Pá Khoang - Nậm Rốm với hai tuyến kênh tả và hữu dài hơn 30km như hai cánh tay ôm ấp cánh đồng Mường Thanh, đem dòng nước mát về cho đất. Cánh đồng 150 km2, rộng nhất miền Tây Bắc từ chỗ cấy một vụ lúa nay đã có thể nâng lên hai vụ. Nhờ có công trình này năng suất lúa đã tăng, diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000 ha lên đến gần 6.000 ha, bảo đảm nước tưới ổn định cho 3.317 ha lúa hai vụ và 417 ha hoa màu. Đại thủy nông Nậm Rốm đã là một biểu tượng của tuổi trẻ những năm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Đã có một công trình Đại thủy nông khác của hôm nay đang được rốt ráo xây dựng tại dòng sông này. Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên” đang được Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên triển khai với tổng số vốn 981 tỷ đồng. Công trình này sẽ xây dựng 14,7 km kè dọc sông Nậm Rốm, xây đập tràn và nạo vét dòng chảy một số đoạn sông. Cảnh quan hai bên dòng sông đoạn qua trung tâm thành phố Điện Biên Phủ cũng sẽ được xây dựng và tôn tạo. Dự kiến đến năm 2025 công trình sẽ hoàn thành. 

Nậm Rốm vẫn đang tiếp tục ôm vào lòng những ký ức về một Điện Biên mới.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong.jpg