- Khi tiếp xúc với cậu sinh viên 21 tuổi này, người ta không chỉ bị ấn tượng về con số thu nhập 200 triệu đồng/ tháng chỉ sau một năm khởi nghiệp, mà còn bị ấn tượng mạnh mẽ hơn bởi tư tưởng, quan niệm kinh doanh của bạn trẻ này.

“Lúc đầu tôi chỉ muốn kiếm một tháng 10 triệu thôi, sau một năm kiếm hơn 100 triệu gì đấy rồi mở công ty games với bạn. Không ngờ là công việc của tôi phát triển tới mức này...” – Nguyễn Việt Hùng, sinh năm 1995, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH FPT mở đầu câu chuyện bằng lời “than thở”.

{keywords}
"Sinh viên - ông chủ" Nguyễn Việt Hùng

“Sự tích” khởi nghiệp trong 2 ngày

- Hôm đó “máu” lên, tôi hỏi một người chị làm marketing rằng nếu bây giờ mở một lớp thiết kế với giá 500 nghìn có ai đi học không? Chị bảo “Không biết, nhưng mày mở thì chị đi học”. Thế là hai ngày sau tôi đi tìm địa điểm mở lớp, rủ một bạn nữa cùng làm. Chị bạn giúp tôi tuyển sinh khóa đầu tiên được 45 người.

Không học về thiết kế tại sao bạn lại mở lớp dạy thiết kế?

- Trước khi học công nghệ thông tin, đến năm lớp 10 tôi vẫn nghĩ mình sẽ thành một kiến trúc sư. Từ nhỏ tới lúc đó tôi đã thích mỹ thuật – suốt ngày vẽ vời thiết kế này nọ.

Nhưng tới năm lớp 10, tôi lại bị vào lớp chuyên Tin vì trượt chuyên Toán. Bắt đầu từ đó là thích Tin học luôn.

Cũng năm lớp 10, tôi nghe là Trường ĐH FPT cho trường 6 suất học bổng 100%, nên quyết định luôn là bằng mọi giá lấy được học bổng này. Trong ba năm cấp ba, tôi gần như chỉ học mỗi môn Tin. Đến năm lớp 12 tôi được học bổng thật, mà lại được 140%.

Vì vậy mà tôi có thể tự tin về việc dạy thiết kế đồ họa.

Tư tưởng của chúng tôi là người dạy thiết kế tốt nhất không phải là người thiết kế tốt nhất mà là người truyền lửa được tốt nhất và biến người khác tốt hơn mình. Nên chúng tôi sẽ dùng tư tưởng này để phát triển nhân lực.

Cái hay nhất ở đây là tôi được làm việc với các bạn trẻ và cũng liều như tôi. Khi học viên đến đây họ thường cảm thấy rất lạ. Dù họ đi học Tiếng Anh hay bất cứ cái gì cũng chưa thấy chỗ nào như chỗ này, vì vậy mà chỉ riêng việc trải nghiệm thôi đã đủ để người ta gọi bạn bè đến để thử.

Những thứ “rất lạ” mà bạn mang ra "dụ" học viên là gì?

Tôi rất thích bài hát “True color”, trong đó có câu “I see your true colors. And that's why I love you". Tôi thấy rằng bây giờ mỗi bạn trẻ đều có cái tôi riêng, trong thiết kế hay trong bất cứ công việc gì họ cũng nên thể hiện cái tôi của mình để tạo ra sự sáng tạo, bản sắc riêng.

ColorMe là hãy để chúng tôi tô màu cho bạn, cho bạn biết chính xác bạn là màu gì.

- Bắt đầu bằng việc tôi muốn quy trình quản lý phải đơn giản vì tôi còn là sinh viên. Ví dụ như việc điểm danh, học viên mà ngày nào cũng bị hỏi tên thì rất khó chịu. Vì thế mà tôi viết phần mềm điểm danh. Trong giờ học, bạn trợ giảng chỉ cần cầm điện thoại đi quét thẻ một vòng là xong, không làm phiền bất cứ ai.

Khi vào học đại học, tôi thấy nhà trường có nhiều ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục. Lúc đó tôi cũng liều, nghĩ rằng “Trường làm được thì mình cũng làm được”.

Nên tôi và một người bạn nữa viết một phần mềm quản lý, học viên có thể học online cũng được mà offline cũng được. Nhờ thế mà tôi đi học ở trên trường nhưng vẫn quản lý hết được mọi thứ. Nhân viên công ty cũng làm việc rất linh hoạt.

Chúng tôi có hệ thống email tự động. Có hệ thống để khi học viên đặt câu hỏi sẽ tự động gửi tới các giảng viên, giảng viên nào đang online sẽ trả lời cho bạn đó.

Chúng tôi cũng xây dựng một mạng xã hội colorMe để học viên trao đổi, xem bài thiết kế của nhau…

Chúng tôi còn có chính sách “bảo hành trọn đời”, tức là nếu đã học một môn nào đó thì về sau có thể đến học lại miễn phí bất kỳ lúc nào.

{keywords}

Giao diện phần mềm quản lý lớp học do Hùng và nhóm bạn thực hiện

Điểm yếu của không ít startup là bán cái mình có chứ không phải cái thị trường cần, không đo được nhu cầu của khách hàng… Bạn hình như không mắc phải điều này?

- Tôi rất liều vì khi bắt đầu còn không biết rằng có những luật như vậy. Chỉ nghĩ đơn giản mình là sinh viên như bọn ngoài kia, bọn ngoài kia thích tham gia sự kiện, các chương trình truyền thông, nên sẽ thích làm các ấn phẩm truyền thông cho các câu lạc bộ. Vì vậy mà khóa đầu tiên tôi chỉ tập trung vào mỗi ấn phẩm truyền thông.

Mãi về sau tôi mới biết có rất nhiều thứ khác nên định hướng lại và phát triển giáo trình. Có hàng tá những thứ mà sinh viên muốn học, như thiết kế báo cáo thật đẹp, nhiếp ảnh, video… nhưng ở trường không dạy và cũng không có chỗ nào dạy với mức giá vừa phải cả.

Khóa đầu làm liều. Nhưng từ khóa thứ hai tôi luôn khảo sát lại chính những sinh viên đã học ở đây, xem người ta cần cái gì tiếp theo. Chúng tôi định hướng luôn là sẽ trở thành một trung tâm đào tạo cho sinh viên với mức giá khoảng 1 triệu đồng/ khóa, mức giá mà gần như bạn nào cũng học được. Hiện nay chúng tôi có 3 môn học với số lượng học viên trung bình mỗi tháng là 250 người.

Mỗi tháng cập nhật giáo trình một lần. Bây giờ giáo trình ổn tới mức học viên luôn luôn hài lòng. Và họ hài lòng tới mức người ta muốn học thêm những khóa khác.

Khi bắt đầu làm, bạn có lường được nhu cầu học lại lớn như thế không?

- Thời gian đầu tôi chẳng biết gì về kinh tế, về thị trường hay dung lượng thị trường. Mãi về sau, khi xác định lại tôi mới biết rằng mình đã “ăn may”, vì thị trường này đúng là chưa ai nhảy vào.

Ví dụ cũng là đào tạo về thiết kế, người ta vẫn nghĩ rằng chỉ đào tạo cho các designer (nhà thiết kế) thôi, hoặc là các marketer (người làm marketing). Còn tôi chỉ nghĩ đơn giản sinh viên đi học thiết kế có sao đâu. Tôi vô tình mở được thị trường này ra, bây giờ đã có rất nhiều người theo.

Chúng tôi ước tính Hà Nội hiện có 800 nghìn sinh viên, tức là mỗi năm có khoảng 200 nghìn sinh viên mới nhập vào. Chỉ cần 5% trong số sinh viên mới nhập vào là học viên của chúng tôi thôi thì mỗi tháng đã có đến 1 nghìn học viên rồi. Và tôi thực sự thấy rằng con số 5% đó là khả thi nên tôi mới làm đến mức này.

Lớp thiết kế tập trung vào đối tượng sinh viên nhưng phải đảm bảo ai vào cũng học được hết, bất kể lứa tuổi nào. Chúng tôi có học viên trẻ nhất là học sinh lớp 10, lớn tuổi nhất là 45 tuổi, có cả học viên thiểu năng  trí tuệ…

Hiện nay công ty có 40 nhân viên theo. Bạn cảm nhận áp lực “nuôi sống” nhân viên ra sao?

- Tôi không thể không lo được, nhưng tài chính chưa phải là vấn đề đáng lo ở thời điểm hiện tại.

Trong kinh doanh có điểm hoàn vốn, rất may điểm hoàn vốn của chúng tôi là bất cứ lớp học nào chúng tôi mở ra chỉ cần đạt được trên 10 học viên là chúng tôi có thể sống được. Đó không phải là điều quá khó. Vấn đề là mình có thể làm tốt hơn được nữa hay không, để phát triển tiếp hay không.

{keywords}

Nhân viên của colorME

Có nhiều bạn trẻ cũng liều như tôi

Các bạn kiếm nguồn giảng viên như thế nào để đáp ứng được quy mô ngày càng mở rộng?

- Ở đây tôi là người già nhất, còn lại toàn các bạn sinh năm 96, 97, 98. Các bạn rất trẻ, năng động và rất là liều, giống tôi.

Mô hình của chúng tôi là đào tạo ngắn hạn. Các bạn giảng viên đang là sinh viên. Một ngày nào đấy các bạn lớn mạnh sẽ đến những chỗ khác để phát triển hơn, hoặc mở một khởi nghiệp của chính các bạn, nên chúng tôi sẽ thay máu nhân viên liên tục.

Khi nhận các bạn để đào tạo giảng viên, tôi chỉ xem xem bạn đó đang liều đến mức nào chứ không quan tâm nhiều tới việc bạn đấy đã thiết kế đẹp hay chưa, đã biết đứng lớp hay chưa.

Chính xác là người trẻ không cần những người quá cao siêu để dạy người ta, mà cần người thực sự nhiệt huyết, khi hỏi trả lời hào hứng vui vẻ chứ không cần một người cao siêu mà lãnh đạm.

Sự say mê của tuổi trẻ được thể hiện như thế nào ở colorMe?

- Bạn cùng mở công ty với tôi trước đây là người rất rụt rè. Ngày đầu tiên bạn đứng lớp được khoảng 15 phút thì về run một tiếng rưỡi luôn, vì không bao giờ nghĩ rằng việc nói trước 15 người lại phức tạp đến thế. Nhưng bạn vẫn quyết làm đến cùng. Và bây giờ bạn nói rất hay, là một giảng viên được yêu thích nhất tại đây. Câu chuyện của bạn truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác.

Ở đây còn có rất nhiều bạn trẻ có rất nhiều đột phá. Ví dụ một bạn nữ trường Ngoại giao lao vào đây bảo muốn làm giảng viên. Trong 2 tuần sau đó, ngoài việc học ở trường bạn ý cắm cọc bên này luôn. Có lớp nào học bạn cũng vào ngồi cuối lớp, ghi chép, lên đứng luyện tập một mình, rất… đáng sợ.

Chính ra những bạn liều này rất nỗ lực. Khi đã đứng lớp, đến cuối buổi học các bạn còn ở lại bàn xem hôm nay chưa thành công ở chỗ nào, rồi tự động cải thiện lại giáo trình…

Bạn sẵn sàng "mở cửa", không ái ngại sự non nớt của các giảng viên ảnh hưởng đến uy tín của công ty?

- Tôi luôn nói với mọi người rằng bây giờ tôi không cần kiếm quá nhiều tiền, chỉ muốn tạo ra cơ hội để các bạn thử nghiệm càng nhiều càng tốt.

Ngay từ việc để các bạn dạy là đã chấp nhận cho phép các bạn sai rồi. Nếu các bạn sai mà không làm gì hết là có trách nhiệm cực kỳ lớn với colorMe. Nhưng nếu các bạn sai mà biết cải tiến, cải tiến liên tục, biết cách xin lỗi… là các bạn đang đi đúng hướng. Vì vậy mà giảng viên của chúng tôi hết sợ sai.

Tôi may mắn vì trường học và bố mẹ rất thoáng

Bố mẹ bạn nói sao khi con “tung hoành” như vậy?

- Bố mẹ tôi có cái hay là cho con cái thoải mái tự do. Từ cấp 1 tới cấp 2 bố mẹ quản từng li từng tí. Cấp 2 tôi mê chơi games làm bố mẹ bực mình tới mức quyết định không mua cho cái máy tính nào hết. Lên cấp 3 nhờ vào chuyên Tin, và trong 3 năm cấp 3 tôi đạt được 12 giải thưởng tin học từ cấp tỉnh tới cáp quốc gia, nên bố mẹ không lo gì hết nữa, mới thả. Bố mẹ bảo đã “đủ tin tưởng con rồi nên con muốn làm gì cứ làm”.

Bố mẹ tôi đều làm Nhà nước, nhưng bảo tôi “Làm gì cũng được, chỉ cần bảo đảm thứ nhất là kiếm đủ sống, thứ hai là bố mẹ luôn có cảm giác an toàn khi con ra ngoài xã hội, thế là đủ. Kiếm nhiều hay ít tiền cũng được, miễn là con thích cuộc sống đó”.

Ngay cả khi biết tôi bảo lưu 4 tháng học để làm kinh doanh, bố mẹ cũng chỉ nhắc tôi giữ sức khỏe.

{keywords}

Như bạn đã nói, giảng viên của các bạn sẽ rời đi, còn bạn, ngoài việc gắn bó đến cùng còn có tham vọng nào lớn hơn không?

- Tôi vẫn còn nhiều kế hoạch khác nữa. Đơn giản là colorMe sẽ là một phần trong kế hoạch, có thể thay vì là một cty nó sẽ làm một tập đoàn.

Tôi thật sự yêu thích lĩnh vực giáo dục. Ngay từ hôm tổng kết lớp 12 và nhận học bổng 140%, tôi có nói một câu là “Tôi muốn tạo ra một tổ chức giáo dục, làm thay đổi một phần nào đó giáo dục Việt Nam bằng cách ứng dụng CNTT vào việc học”.

Khi nói câu đó tôi chưa biết mình sẽ làm cái gì. Mãi về sau ngẫm lại, tôi thấy rằng nó liên kết chặt chẽ với việc tôi tạo ra colorMe như thế nào.

Tôi thích giáo dục bởi vì thấy rằng Việt Nam còn nhiều nhức nhối, nhưng không thể đùng một cái thay thế tất cả mọi thứ. Vậy nếu không thay đổi được hết thì thay đổi một số con người, thay đổi giới trẻ là cách tốt nhất vì họ là nền tảng tiếp theo của Việt Nam.

Khi học ở phổ thông tôi được học môn tôi thích, được tự do phát triển, và thấy rằng mình học được cực kỳ nhiều thứ thay vì chỉ có Toán, Lý, Hóa, Anh văn… Tôi phát triển rất nhiều khi được học cái tôi thích. Và đáng lẽ học sinh nào ở Việt Nam cũng phải được học như thế.

Xin cảm ơn bạn.

Chỉ sau một năm, hơn 1.700 học viên đã tốt nghiệp từ các khóa thiết kế đồ họa do Hùng xây dựng. ColorMe hiện đã có 3 chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng, đạt thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ tháng.

Hùng dự định tháng 9 tới sẽ có thêm cơ sở ở TP.HCM, tiếp tục đổi mới chương trình và hệ thống quản lý.

Ngân Anh (thực hiện)