Thực tế, có tới 50% các vụ cháy được dập tắt bởi các lực lượng xử lý tại chỗ. Do đó, đây chính là một trong những lực lượng then chốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, cùng Công an các địa phương, mỗi năm có rất nhiều phong trào toàn dân PCCC. Những phong trào này đã có thấy những hiệu quả và trở thành các mô hình kiểu mẫu, được nhân rộng trên nhiều địa phương.
Đơn cử như mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng do Công an tỉnh Bắc Ninh phát động. Đến nay, cả nước ta đã có gần 13.000 Tổ liên gia an toàn PCCC, hơn 13.500 điểm chữa cháy công cộng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH tại các hộ gia đình. Đặc biệt, TP.HCM và Thái Nguyên đã xây dựng mỗi đơn vị cấp xã, phường có ít nhất một mô hình tổ liên gia an toàn PCCC.
Ngoài ra, còn có các mô hình PCCC khác tiêu biểu như “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ”, “Mô hình khu dân cư an toàn PCCC”…
Các mô hình của phong trào toàn dân PCCC đã cho thấy sự hiệu quả trong việc ngăn chặn cháy lớn, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để phong trào toàn dân PCCC hoạt động hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu đề ra trong tình hình mới, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC. Theo đó, cần có chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác PCCC từ tự phát thành tự giác trong tổ chức, thực hiện PCCC tại các cơ sở, khu dân cư. Nguyên tắc đề ra là hoạt động PCCC phải được thực hiện và xử lý tại chỗ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng, các cơ quan văn hóa thông tin… để tích cực tuyên truyền, phổ biến công tác PCCC, nhất là trong những dịp cao điểm về PCCC.
Ban Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố cũng cần đề xuất UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành đánh giá thực trạng phong trào toàn dân PCCC, cần có những đánh giá cụ thể, chấn chỉnh tại những cơ sở trọng điểm về cháy nổ, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra nghiệp vụ và các buổi tập huấn về PCCC đối với lực lượng chữa cháy cơ sở.
Cần phải đề xuất xây dựng, nhân rộng các mô hình toàn dân PCCC phù hợp với tình hình trên địa bàn, hợp với lòng dân, sức dân để nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của người dân.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng phải bám sát địa bàn, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới, những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào toàn dân PCCC tại các cơ sở, khu dân cư để có thể triển khai nhân rộng trên toàn quốc.
Cùng với đó, phát động các phong trào tự quản về PCCC, lồng ghép với các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội để phong trào có thể lan tỏa rộng rãi, tiếp cận được với nhiều người, nhiều đối tượng.