Sau 36 tháng triển khai dự án tại 52 xã thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, nền tảng GRP trực tuyến Em Vui đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống tảo hôn, buôn bán người cho trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.
Dự án “Tăng cường nhận thức, khả năng của trẻ em và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đề xuất chính sách thông qua công nghệ số” (EMPoWR) do tổ chức Plan International tại Việt Nam khởi xướng và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đồng triển khai đã đạt được những kết quả tích cực.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, dự án nhằm giải quyết các khó khăn, nhu cầu của trẻ em trai, gái và nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số - những người có kiến thức hạn chế về quyền, sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tình dục và có nguy cơ tảo hôn và bị buôn bán người.
Mục tiêu của dự án EMPoWR là hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự (CSO) địa phương phát triển và sử dụng nền tảng GRP trực tuyến có tên Em Vui để tạo ra không gian kỹ thuật số giúp trẻ em gái, phụ nữ hiểu về quyền của bản thân, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và được các nhà hoạch định và thực thi chính sách lắng nghe tiếng nói.
Dự án được triển khai từ tháng 7/2020 tại 52 xã thuộc 11 huyện của các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.
Cụ thể, tại Hà Giang có 4 huyện triển khai dự án gồm: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc, Yên Minh; tại Lai Châu có 2 huyện là Phong Thổ và Sìn Hồ; Quảng Bình có 3 huyện Minh Hóa, Lệ Thuỷ và Quảng Ninh; còn tại Quảng Trị có sự tham gia của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Tháng 6 vừa qua, dự án đã kết thúc. Kết quả cho thấy, lợi ích lớn nhất của nền tảng Em Vui là giúp trẻ em, thiếu niên và thanh niên vùng dân tộc thiểu số nơi dự án triển khai nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống tảo hôn và mua bán người (83,2%).
“Lợi ích khác là các em tự tin chia sẻ quan điểm của cá nhân về phòng chống tảo hôn, mua bán người (42,4%) và tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ như số tổng đài 111, 113, tổ chức Rồng Xanh, Hagar… (32,6%)”, TS. Khuất Thu Hồng nói.
Đặc biệt, đánh giá cuối kỳ cho thấy kiến thức của trẻ em, thiếu niên và thanh niên vùng dân tộc thiểu số trong việc tự bảo vệ khỏi nạn tảo hôn đã được cải thiện nhiều so với khảo sát đầu kỳ.
Theo đó, kết quả khảo sát cuối kỳ với nhóm 11-14 tuổi cho thấy 89,9% trẻ em, thiếu niên và thanh niên (so với 28% ở khảo sát đầu kỳ) được trang bị kiến thức để tự bảo vệ trước tảo hôn.
“Đây là những em xác định được chính xác độ tuổi kết hôn tối thiểu của cả nam và nữ, nhận biết được ít nhất hai hậu quả của tảo hôn và kiên quyết phản đối tảo hôn”, bà Hồng nói.
Kết quả tại Hoàng Su Phì (Hà Giang) và Minh Hóa (Quảng Bình) cho thấy, kiến thức của các em được cải thiện đáng kể không chỉ về tảo hôn mà còn về các vấn đề liên quan khác như mang thai ngoài ý muốn, sức khỏe sinh sản và tình dục, thông tin về các dịch vụ và luật pháp.
Đối với kiến thức phòng chống nạn buôn bán người, đánh giá cuối kỳ cũng cho thấy kiến thức và kỹ năng của các em đã được cải thiện nhiều so với khảo sát đầu kỳ.
“Khảo sát đầu kỳ chỉ có 0,5% trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi nạn buôn người; 3% các em có thể xác định tất cả các nguy cơ tiềm ẩn.
Tuy nhiên, ở khảo sát cuối kỳ với nhóm 11-14 tuổi cho thấy 13,1% các em có thể xác định được đúng 7 tình huống rủi ro, thậm chí còn có thể giải thích cặn kẽ về 7 tình huống rủi ro dẫn đến trở thành nạn nhân buôn bán người.
Tình huống có rủi ro cao nhất là "được mời làm việc với lời hứa về công việc nhẹ, lương cao" (khoảng 65%), tiếp theo là "người lạ giới thiệu cơ hội việc làm mà không mất phí hoặc tiền đặt cọc" (49%) và “bạn quen trên mạng Internet mời đi chơi” (42%), so với kết quả tương ứng ở khảo sát đầu kỳ là: 68%, 64% và 60%”, TS. Khuất Thu Hồng thông tin.
Tảo hôn là tập tục tồn tại lâu đời, phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Do đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn cũng là một trong những mục tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.