Quốc hội vừa báo báo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Chương trình mục tiêu quốc giá phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 120 năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định 1719 năm 2021. Chương trình được có kinh phí tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

Cam kết hoàn thành giải ngân 100% vốn

Qua giám sát, Quốc hội đánh giá quá trình thực hiện các dự án đã bám sát mục tiêu tổng quát của chương trình như giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước…

Chương trình thực hiện đã tích hợp hơn 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước. “Do đó đã bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn”, đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá.

Đồng bào dân tộc dệt khăn thổ cẩm. (Ảnh: Tình Lê)

Đến tháng 6/2023, các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình cơ bản đã hoàn thành. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 58 văn bản; ở mỗi địa phương ban hành từ 40-50 văn bản liên quan. Nhiều địa phương chủ động có cách làm hay, phù hợp với thực tế.

Vốn ngân sách Trung ương trung hạn và hàng năm của chương trình đã được phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định. Ở địa phương việc phân bổ ngân sách theo đúng tiêu chí, định mức và hướng dẫn của Trung ương. Kết quả giải ngân từ năm 2021-2023 đã hoàn thành và thanh toán vốn Trung ương đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn, trong đó vốn đầu tư phát triển: 19,5%; vốn sự nghiệp 12,3%.

Theo đoàn giám sát của Quốc hội, mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo báo cáo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo DTTS năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Cchương trình. Chính phủ cam kết hoàn thành giải ngân 100% vốn và đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Quốc hội đến năm 2025.

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao

Tuy nhiên, đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ, việc ban hành các văn bản quản lý rất chậm, sau hơn 1 năm 2 tháng, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 120, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 1719 về phê duyệt Chương trình.

Ngoài ra, công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn còn nhiều bất cập, chưa sát với tình hình thực tiễn, nhiều địa phương sử dụng kết quả từ điều tra DTTS từ năm 2019. Do vậy, đến nay đối tượng, địa bàn thực hiện chương trình đã không còn phù hợp. Cụ thể, một số địa phương không có đối tượng nhưng vẫn được phân bổ, giao vốn; giao vốn manh mún, mức vốn thấp (Tây Ninh, Sơn La, Hậu Giang...).

Đặc biệt, việc giải ngân của chương trình đến nay đạt rất thấp. Theo kết quả rà soát của đoàn giám sát, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm từ 2021-2023: Cả nước có 4 địa phương đạt dưới 5%; có 6 địa phương đạt 5-10%; chỉ có 3 địa phương đạt trên 50%.

Trong tổng số 420 lượt dự án của chương trình đang triển khai ở các địa phương có: 25,24% giải ngân đạt dưới 5% (trong đó không giải ngân được 7,14%); 4,29% đạt từ 50% trở lên; một số địa phương có trên 5 dự án giải ngân đạt dưới 5%; nhất là các dự án giải quyết các đề cấp bách của đồng bào DTTS.

Theo báo cáo của Chính phủ, đa số các chỉ tiêu của Chương trình đến nay đều đạt và vượt so với kế hoạch mặc dù giải ngân đạt thấp và đang có nhiều khó khăn, vướng mắc. Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng cần phải rà soát và đánh giá lại các chỉ tiêu này, vì trên thực tế “đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng”.

“Khả năng đạt mức thu nhập bình quân vùng DTTS tăng 2 lần so với 2020, các chỉ tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội; giải quyết các vấn đề cơ bản về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội khác trong bối cảnh hiện nay là rất khó đạt được vào năm 2025”, đoàn giám sát của Quốc hội nêu vấn đề.