Mục tiêu tối thượng, được công khai của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hiện giờ là đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030. Tuy nhiên, một chuyên gia quả quyết, NASA thực tế đang lên kế hoạch trở lại Mặt trăng trước tiên.


{keywords}
Ảnh minh họa các phi hành gia trở lại Mặt trăng. Ảnh: NASA/Corbis

Viết trên trang My San Antonio, cây bút khoa học Eric Berger đã giải thích cách Tổng thống Mỹ Barack Obama vạch ra các mục tiêu của NASA trong các thập niên tới, vào năm 2010. Mục tiêu này là thám hiểm một tiểu hành tinh vào những năm 2020, và sau đó đưa một phi hành đoàn lên sao Hỏa vào những năm 2030. Không có bất kỳ sứ mệnh nào nhằm tới một điểm đến khác giữa 2 mục tiêu này được đề cập đến.

Gần đây, NASA đã tiết lộ việc họ đang lên kế hoạch tiến hành sứ mệnh thám hiểu tiểu hành tinh như thế nào. Họ sẽ chọn một thiên thạch từ một tiểu hành tinh lớn hơn, rồi đặt nó vào quỹ đạo của Mặt trăng và đưa các phi hành gia tới đó.

Tuy nhiên, ông Berger nói, NASA đang "lặng lẽ" cân nhắc quay trở lại Mặt trăng trước khi lên sao Hỏa. Trong các nghiên cứu nội bộ, NASA đang tái xem xét Mặt trăng, kể cả bề mặt của thiên thể này, cho các hoạt động của con người, chẳng hạn như là một nơi dừng chân quan trọng trên đường tới sao Hỏa.

Ông Berger dẫn chứng việc William Gerstenmaier, phụ trách các hoạt động thám hiểm có con người của NASA, không coi kế hoạch hiện tại về một sứ mệnh kéo dài 900 ngày, đi thẳng tới sao Hỏa là khả thi.

Dẫu vậy, theo ông Berger, điều đáng lưu ý là, NASA đã né tránh việc tuyên bố sẽ quay trở lại Mặt trăng. Nếu cơ quan này thay đổi ý định, động thái này có lẽ đã tham khảo khuyến nghị của một báo cáo hồi tháng 6/2014 của Hội đồng nghiên cứu quốc gia (NRC). Bản báo cáo dài 286 trang nhấn mạnh, NASA sẽ thất bại nếu không thay đổi phương pháp tới sao Hỏa đã công bố.

Báo cáo của NRC quả quyết, khi không có đủ tài trợ, một mục tiêu rõ ràng hay sự giúp đỡ từ những nước như Trung Quốc, NASA có thể sẽ không tạo ra được bước nhảy vọt quan trọng tiếp theo cho nhân loại.

Trong báo cáo của mình, NRC đã nghiên cứu 3 lựa chọn tới sao Hỏa và nói 2 trong số đó, vốn bao gồm việc quay trở lại Mặt trăng trước tiên để thử nghiệm các công nghệ then chốt, hứa hẹn triển vọng.

Một ý tưởng đang được xem xét là, sau khi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ngưng hoạt động, NASA sẽ tạo ra một "tàu vũ trụ cửa ngõ" trong quỹ đạo Mặt trăng. Các phi hành gia sẽ có thể tham quan cơ sở này và tiến hành các chuyến xuất kích tới Mặt trăng. Nó cũng có thể được dùng như một điểm dừng chân để tiếp nhiên liệu hoặc tài nguyên cho phi hành đoàn trên đường tới sao Hỏa.

Nhiều cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đã lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình về những gì NASA nên làm. Hồi tháng 10/2014, cựu phi hành gia Chris Hadfield cũng khuyến nghị NASA nên cân nhắc quay trở lại Mặt trăng trước khi tới sao Hỏa. Trong khi đó, Buzz Aldrin, người thứ hai đặt chân lên Mặt trăng, cho biết, ông không đồng ý với kế hoạch hiện tại của NASA về việc lên sao Hỏa thông qua một sứ mệnh thám hiểm tiểu hành tinh vào những năm 2020.

Hồi tháng 3 vừa qua, nhà vật lý lý thuyết, tiến sĩ Orfeu Bertolami đến từ Đại học Porto (Bồ Đào Nha) đã hoàn thành một nghiên cứu khám phá ra rằng, sẽ không có cách khả thi nào để đưa con người lên sao Hỏa trong 5 thập niên tới.

Bất chấp tất cả những cảnh báo đó, NASA mới đây đã quyết định chi 10 triệu USD tài trợ cho một công ty ở Texas, có tên Ad Astra để phát triển một động cơ có thể tới sao Hỏa chỉ trong 39 ngày.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, Space)