nato liên minh quân sự
Ảnh: NATO

Trả lời phỏng vấn báo Telegraph, ông Jens Stoltenberg tiết lộ, các nước thành viên NATO đã bàn bạc trực tiếp về việc đưa tên lửa ra khỏi kho và đặt chúng ở chế độ chờ. "Tôi sẽ không đi vào chi tiết về số lượng đầu đạn hạt nhân sẽ được triển khai và số được cất giữ, nhưng chúng tôi cần bàn bạc ​​về những vấn đề này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm".

Người đứng đầu NATO nói thêm, sự minh bạch về hạt nhân phải là nền tảng trong chiến lược hạt nhân của NATO nhằm chuẩn bị cho liên minh đối phó với điều mà ông mô tả là một thế giới nguy hiểm hơn. Theo Telegraph, một thập niên trước, khi nhà lãnh đạo 65 tuổi này đảm nhiệm vai trò đứng đầu khối NATO, các cuộc tập trận hạt nhân được tiến hành hoàn toàn bí mật. 

Ông Jens Stoltenberg cho hay, sự minh bạch về vấn đề hạt nhân giúp truyền đạt thông điệp trực tiếp rằng NATO là một liên minh hạt nhân.

Quan chức này nhấn mạnh: "Mục tiêu của NATO tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân. Bởi vì, một thế giới mà ở đó Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong khi NATO thì không, là một thế giới nguy hiểm hơn". 

Tổng thư ký NATO đặc biệt quan ngại về Trung Quốc khi nước này đang đầu tư mạnh vào vũ khí tiên tiến và sẽ tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 vào năm 2030. "Điều đó có nghĩa là trong một tương lai không xa NATO có thể phải đối mặt với điều gì đó mà liên minh chưa từng đối mặt trước đây".

Theo ông Stoltenberg, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. "Mỹ đang hiện đại hóa bom trọng lực cho các đầu đạn hạt nhân mà họ có ở châu Âu và các đồng minh châu Âu đang hiện đại hóa các máy bay sẽ được dành riêng cho sứ mệnh hạt nhân của NATO”.