Trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Baltic gia tăng và nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng ly khai tại đông Ukraina đang chuẩn bị cho đợt tấn công khác, NATO đã gửi thông điệp rõ ràng cho Tổng thống Putin: Đừng can thiệp vào các quốc gia NATO ở vùng Baltic hay khu vực Đông Âu.
Theo Business Insider, thông điệp này thể hiện rõ nhất qua một loạt tập trận quân sự rầm rộ có sự tham gia của các lực lượng không quân, bộ binh, hải quân ở ba quốc gia tiền đồn của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), sát dọc biên giới Nga tại Baltic và Scandinavi.
“Cuộc tập trận ở Estonia, Lithuania và Na Uy có sự tham gia của hơn 21.000 binh sĩ và thiết bị quân sự hạng nặng” – tờ Los Angeles Times cho biết.
“Cùng với việc Mỹ huấn luyện binh sĩ tại Ukraina và kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh và mạnh gồm 3.000 quân để bảo vệ Đông Âu, có vẻ như họ (NATO) đang có ý gửi thông điệp tới Moscow rằng, liên minh của họ đã sẵn sàng để bảo vệ các thành viên mới ở sân sau của Nga”.
Chiến dịch Dynamic Mongoose có sự tham gia của 10 quốc gia NATO và Thụy Điển, đang tổ chức tại bờ biển Na Uy ở Biển Bắc. Tập trận này tập trung vào tác chiến chiến tranh chống ngầm, diễn ra ngay sau các thông tin cho rằng tàu ngầm của Nga xuất hiện gần vùng biển Thụy Điển và Phần Lan.
Trong khi đó, Estonia đang tổ chức tập trận quân sự ở quy mô lớn chưa từng có, mang tên chiến dịch Hedgehog. Đợt tập trận kéo dài hai tuần sẽ có 13.000 binh sĩ trên khắp các quốc gia NATO và quân đội Estonia tham gia, với nội dung chủ chốt là hoạt động kết hợp của lực lượng trên bộ và trên không.
Lithuania cũng đang tiến hành tập trận mang tên Chiến dịch Lightning Strike. Tập trận có quy mô trên 3000 binh sĩ và cảnh sát để đánh giá mức độ hợp tác giữa quân sự và dân sự trong tình huống có rủi ro cao.
Chiến dịch cũng sẽ tập trung vào việc làm thế nào để đối phó với khả năng những binh sĩ thuộc lực lượng ‘quân đội xanh’ của Nga thâm nhập vào Lithuania như đã từng xảy ra ở Crưm.
Quy mô của các cuộc tập trận đã cho thấy mức độ lo ngại của NATO đối với các quốc gia ở tiền tuyến trong bối cảnh căng thẳng NATO và Nga gia tăng sau khủng hoảng Ukraina.
“Chúng tôi tự thấy rằng rõ ràng chúng tôi đang trong giai đoạn có nguy cơ chiến tranh tại Ba Lan” – Pawel Kowal, một nghị sĩ Ba Lan nói.
Những cuộc chạm trán giữa phi cơ Nga và NATO ngày càng nhiều trong thời gian gần đây trên biển Baltic. Cùng lúc, Nga tăng cường thúc đẩy quân sự hóa tại vùng biển Bắc Cực, Crưm và Kaliningrad.
Đáp lại các động thái này, ngoài loạt tập trận của NATO, các quốc gia Bắc Âu cũng tuyên bố các kế hoạch tăng cường quan hệ phòng thủ trong bối cảnh chiến tranh nổ ra.
Lê Thu