Cần tranh luận văn minh và tinh thần xây dựng
Mới đây, trên trang cá nhân của một tiến sĩ Hán Nôm (xin giấu tên), đồng thời là một KOLs có tầm ảnh hưởng, được nhiều người theo dõi (follow – cụ thể là 95.325 người theo dõi) và bình luận (comment) có đăng vài tấm hình (được lấy lại từ báo Tiền phong với tiêu đề “Huế sơn xanh nhiều cây số vỉa hè để làm gì?”) hàm ý nói Huế “thần kinh” – khi đề cập một vài tuyến đường ở TP.Huế được sơn xanh với dòng nội dung:
“Giờ mới hiểu tại sao gọi Huế là đất…. thần kinh! Nhiều km vỉa hè, đường dạo công viên vừa mới hoàn thiện thi công thuộc Dự án Đô thị xanh TP. Huế đã được sơn bằng một màu xanh lá gần như đồng nhất khiến nhiều người tò mò về kiểu “trang trí” mới lạ, chưa từng có ở Huế này! Nỗi niềm chi rứa Huế ơi…”. Bài viết của TS này nhận được 1,6 nghìn lượt biểu lộ cảm xúc, 299 bình luận và 74 lượt chia sẻ (tính đến 21h ngày 15/7/2024).
Nhưng có điểm đáng lưu ý, dưới phần bình luận là rất nhiều ý kiến trái chiều của dân cư mạng, trong đó có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia có chuyên môn đã “thông não” cho những ý kiến của một bộ phận “ếch ngồi đáy giếng” tạo nên một diễn đàn trao đổi kiến thức rất thú vị dưới bài viết. Dù dưới bài có những bình luận với ngôn từ đả kích, châm biếm thậm chí thóa mạ/mạt sát nhau không được văn minh cho lắm, nhưng tiến sĩ này đã rất chuẩn chỉ khi không xóa những bình luận “nghịch nhĩ” với mình.
Đứng ở góc độ truyền thông, nhiều nhà báo theo dõi trang cũng có những phản biện thú vị về bài viết. Theo nhà báo Chiến Văn, Báo Quân đội nhân dân, kiến thức của nhân loại bao la rộng lớn trong khi sự hiểu biết của mỗi cá nhân thì lại chỉ như hạt cát. Do vậy, việc dám đăng những nội dung mình chưa am hiểu, nói những suy nghĩ cá nhân (dù sai) của các KOLs để tạo nên các diễn đàn chia sẻ thông tin, tri thức là điều rất thú vị và dũng cảm. Việc của chúng ta (những người theo dõi trang) là cập nhật thêm thông tin, nếu có góc nhìn mới mẻ hay kiến thức hay có thể bổ sung tranh luận với tinh thần xây dựng, còn nếu không thì cũng nên cư xử có chừng mực.
Hãy văn minh khi tham gia mạng xã hội
Quay lại những tuyến đường được phản ánh trong bài viết “Huế sơn xanh nhiều cây số vỉa hè để làm gì?” của Báo Tiền phong, ông Võ Văn Việt - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Green City Huế đã nói rõ trong bài: “Những tuyến vỉa hè được sơn xanh tập trung chủ yếu ở các con phố Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu (phường An Đông, Xuân Phú), đường Bùi Thị Xuân, công viên trung tâm hành chính tỉnh, với tổng chiều dài gần 8.000m. Việc sơn xanh, kẻ vạch vàng nhằm đánh dấu làn tuyến dành riêng cho xe đạp khi lưu thông trên vỉa hè”.
Vậy là đã rõ, việc sơn xanh làn đường là có mục đích (phân biệt làn đường dành riêng cho xe đạp), chứ không phải câu chuyện “thừa tiền, thừa giấy vẽ voi” hay “vẽ ra để tham nhũng”… như một số bình luận thiếu hiểu biết (hoặc cố tình không hiểu) dưới bài. TS Hán Nôm cũng đã rất "cẩn thận" đăng kèm đường link bài viết của Báo Tiền phong, thế nhưng một bộ phận người chơi mạng xã hội thường có thói quen không đọc báo hoặc chỉ đọc tít bài rồi “phán” với hàm ý tiêu cực kiểu: Chắc chắn là "dự án" - Kiếm cớ để giải ngân - Vừa "hoàn thành nhiệm vụ" - Lại "sân siu" có phần!
Ở chiều ngược lại, nhiều bạn trẻ với tư duy tân tiến, được ra nước ngoài học tập đã rất “bức xúc” trước sự thiếu hiểu biết của các bình luận phiến diện, tiêu cực nên đã không ngần ngại chia sẻ loạt ảnh về các tuyến đường có mục đích tương tự của các thành phố lớn trên thế giới, giúp những người bình luận “thiếu i ốt” có thêm thông tin. Ví dụ bạn Nhật Huy, đăng kèm ảnh tuyến phố đi xe đạp ở Pháp với bình luận có phần gay gắt: “Mấy thằng không biết nó là cái gì mới phán là thần kinh”.
Trong khi bạn Nam Phong có phần điềm đạm hơn khi đính kèm tấm hình phố đi xe đạp ở Vũ Hán, Trung Quốc kèm bình luận: “Xanh hoặc đỏ là để phân biệt đường dành riêng cho xe đạp thưa tiến sĩ. Ví dụ ảnh dưới là 1 con đường 2 làn cho xe đạp trên vỉa hè ở TP Vũ Hán, Trung Quốc. Thậm chí còn là 2 tông xanh khác nhau phân biệt 2 làn ngược chiều”.
Đánh giá về bài viết này và những bình luận, nhà báo Nguyễn Quyết cho rằng: “Việc TS Hán Nôm này để những bình luận đa chiều dưới bài viết của mình là một sự quân tử. Ông đưa ra vấn đề, thậm chí là đưa cả “cái dốt” của mình để mọi người tranh luận và không hề xóa bỏ những bình luận trái chiều góp ý với ông là việc không phải KOLs nào cũng làm được”.
“Nên để mạng xã hội trở thành nơi lan tỏa tri thức, là nơi ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình (đảm bảo quyền tự do ngôn luận), thậm chí đó là những suy nghĩ phiến diện ngu ngốc miễn là họ chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của mình trước pháp luật”, nhà báo Nguyễn Quyết chia sẻ thêm.