Góc nhìn của một lái xe tiện chuyến

Đứng ở góc độ một lái xe, anh Trịnh Đình Bắc (lái xe tiện chuyến quê Xuân Trường, Nam Định) cho rằng: “Nhà nước cần nhìn nhận và phân tích theo hướng tích cực. Khi con số về người thất nghiệp gia tăng, nhất là những người làm trong lĩnh vực vận tải hậu Covid -19 thì đã đơn vị nào có hành động gì giúp những người như chúng tôi chưa? Đa phần các doanh nghiệp vận tải hành khách kiệt quệ, phá sản sau đại dịch đã đẩy rất nhiều lái xe bước vào con đường thất nghiệp.

Xe tien chuyen 3.jpg
Một camera giám sát trên chiếc xe tiện chuyến 5 chỗ biển trắng, chạy tuyến Nam Định - Hà Nam - Hà Nội. Ảnh: Nam Phương

Hàng loạt xe khách nằm bãi, chi phí cho các chuyến xe khách cố định tăng trong khi hành khách lại giảm khiến nhiều tài xế phải kiếm việc mới. Và rồi khi loại hình xe tiện chuyến xuất hiện, không bị ràng buộc như taxi, lại linh hoạt hơn xe khách nên nhiều tài xế đã chuyển sang lái xe tiện chuyến thuê, thậm chí vay mượn mua xe ô tô cá nhân để tham gia loại hình vận tải mới mẻ này”, anh Bắc chia sẻ.

Cũng theo anh Bắc: “Ai đã từng làm xe ghép mới hiểu tình cảnh khó khăn. Không công ăn việc làm, nhiều anh em chúng tôi đã cắn răng nhắm mắt vay mượn 1 chút đủ để mua xe trả góp chạy xe ghép làm kế sinh nhai. Thứ nhất, tạm cứu bản thân và gia đình khỏi cảnh khó khăn trước mắt. Thứ hai, tạm gọi là giúp giảm tải con số thất nghiệp, ăn bám của những người đàn ông “sức dài vai rộng”. Thứ ba, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, không phát sinh các tệ nạn xã hội. Nếu chuyên gia nào đó nói thất thu ngân sách, các vị ấy đã kiểm nghiệm cân đối thu nhập và chi phí của xe tiện chuyến một cách nghiêm túc chưa?” 

Cũng theo anh Bắc tính toán: “Nếu tính thuế qua chi phí xăng xe, phí đường bộ, hao mòn xe, trả góp ngân hàng thì thu nhập thực tế của lái xe tiện chuyến không còn được bao nhiêu. Vậy thử hỏi ngân sách đang thất thu chỗ nào? Xăng lái xe đổ, phí đường bộ  phải trả cho từng chuyến đi, lãi ngân hàng hàng tháng... không được coi là đóng thuế ư, hay chỉ có thuế vận tải, phí bến bãi mới được coi là đóng thuế? Cũng đừng nên đánh đồng xe tiện chuyến, đi chung là một dịch vụ vận tải hành khách”.

Nhưng khi được PV VietNamNet hỏi, bản thân anh nên xếp xe tiện chuyến thuộc loại hình vận tải nào? Thì anh Bắc thật thà: “Câu hỏi này dành cho các nhà quản lý hoặc hoạch định chính sách chứ. Người dân chúng tôi thì chỉ biết làm những gì nhà nước không cấm, tạo ra thu nhập cho bản thân và không vi phạm pháp luật là được”.

Người dân muốn duy trì và mở rộng

Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, bạn Thùy Linh (sinh viên Đại học Điện Lực tại Hà Nội) cho biết: “Nếu trước kia mỗi khi về quê, em lại phải bắt xe ôm hoặc xe bus ra Bến xe Mỹ Đình, sau đó mua vé rồi chờ xe để về quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Khi về đến Bến xe TP Thái Bình (nếu không đi xe tuyến huyện), em lại tiếp tục phải ngồi xe bus của nhà xe hoặc xe bus nội tỉnh để về đầu thôn, rồi gọi người thân ra đón. Nhưng giờ đây, với xe tiện chuyến, tài xế có thể đón em ở ngay khu phòng trọ và trả tận cổng nhà dưới quê”.

Bên cạnh sự tiện lợi, một “giá trị” rất mới ở loại hình vận tải này chính là sự chủ động và “riêng tư” khi đi xe tiện chuyến của hành khách. Anh Nguyễn Tiến Thủy, một sale bất động sản tại Hà Nội “thực thà” tâm sự: “Hai năm trước làm ăn vào cầu tôi có mua xe hơi, việc sở hữu ô tô cá nhân khiến bạn bè và những người hàng xóm nhìn tôi và gia đình với con mắt ngưỡng mộ. Nhưng năm vừa rồi khó khăn tài chính, tôi buộc phải bán xe đi. Hồi mới bán xe, tôi thường thuê xe tự lái để về quê. Nếu ai có hỏi đổi xe mới à thì tôi bảo vâng, cháu nâng đời hoặc đi xe của bạn cho… đỡ quê. Nhưng rồi thuê xe cũng tốn kém và bất tiện, đành gọi xe ghép, đôi khi là bao thuê cả xe cho riêng tư để cả gia đình về quê. Nếu ai có hỏi thì bảo lái xe của công ty cháu chở về”.

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng xe tiện chuyến của một số khách hàng như anh Thủy không hiếm, bởi thuê xe tự lái cũng có những rủi ro và tốn kém, trong khi bao thuê cả xe tiện chuyến thì rẻ hơn và đỡ phải lái xe cũng khiến khách hàng hài lòng. Đặc biệt, khi bao xe tiện chuyến những hành khách như anh Thủy thường yêu cầu xe biển trắng, dòng xe đời cao cấp và chấp nhận trả thêm phí đưa đón, chờ đợi. Chính việc giữ được thể diện cho hành khách, thêm phí dịch vụ "bên lề" này khiến xe tiện chuyến ngày càng được nhiều người sử dụng!?

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, xe tiện chuyến vẫn đang là chủ đề tranh luận gay gắt.

Nam Phương