Tuy nhiên, việc nở rộ dịch vụ này đang tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh trong ngành vận tải, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Đặc biệt nó ẩn chứa những nguy hiểm tới sự an toàn của người sử dụng dịch vụ.
Dịch vụ chung xe - chung lợi ích
Trong khoảng 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động vận tải khách bằng ô tô bị ảnh hưởng vô cùng lớn do phải tạm dừng trong thời gian dài. Và, khi những hoạt động trở lại bình thường, nhu cầu của người dân tăng cao, nắm bắt được điều này, nhiều hội, nhóm liên quan tới hoạt động “xe ghép” trên mạng xã hội hoạt động rầm rộ. Như trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khóa “xe ghép” có thể cho ra hàng nghìn kết quả. Có một đặc điểm chung của các trạng thái đều có câu: “Đón tận nơi, trả tận nhà”. Qua tìm hiểu thì những xe này thường là ô tô 4-16 chỗ nhưng chỉ nhận từ 2 đến 4 khách/lượt.
Chị Lê Thị Liên, xã Bảo Khê (TP Hưng Yên), một khách hàng quen thuộc của dịch vụ xe ghép chia sẻ: “Hiện nay, dịch vụ xe ghép được chia sẻ hằng ngày trên mạng xã hội Facebook, Zalo với khung giờ đi, đến, giá vé và đầy đủ số điện thoại lái xe. Chỉ cần lựa chọn một nhà xe bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội là vài phút sau sẽ nhận được cuộc gọi kết nối để chốt chuyến. Thực sự, sau khi sử dụng dịch vụ, tôi nhận thấy, mặc dù giá thành cao hơn so với sử dụng dịch vụ vận tải công cộng (xe buýt) nhưng sử dụng xe ghép khá tiện lợi, khách hàng được đưa đón tận nơi, giờ giấc có thể linh hoạt bởi một tuyến sẽ có nhiều đầu xe phục vụ”.
Theo như chị Liên phân tích, nếu chị đi taxi từ Hưng Yên đến Hà Nội và ngược lại, chị phải trả là 500-700 nghìn đồng/lượt, thì khi sử dụng dịch vụ xe ghép, số tiền bỏ ra chỉ từ 150-170 nghìn đồng/lượt. Còn với loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định như xe khách, xe bus... thì xe ghép có giá cao hơn. Tuy nhiên, thay vì phải đến một bến cố định để chờ xe thì dịch vụ xe ghép đón hành khách tại nhà và trả tận điểm muốn đến, bảo đảm trong khung thời gian hành khách cần. “Chính những tiện ích này đã khiến nhiều hành khách dần bỏ thói quen đi các loại hình vận tải truyền thống để chuyển sang sử dụng dịch vụ xe ghép”, chị Liên cho biết thêm.
Em Nguyễn Thị Lan (quê Yên Bái, sinh viên năm 2 đại học), một khách hàng rất quen thuộc của dịch vụ xe ghép, cho hay: “Dịch vụ này rất phù hợp với những người thường xuyên về quê, quá dễ dàng để đặt được xe ghép khi muốn về quê. Em chỉ cần lên mạng lựa chọn một nhà xe hoặc hình thức tương tác qua mạng xã hội là vài phút sau sẽ nhận được cuộc gọi kết nối để chốt chuyến. Dù dịch vụ này có giá cao nhưng rất tiện lợi, bởi 1 tuyến sẽ có nhiều đầu xe phục vụ”, Lan chia sẻ.
Trong vai một hành khách có nhu cầu về thành phố Yên Bái, chúng tôi lên mạng xã hội Facebook để đặt chuyến. Chỉ sau 5 phút đặt lịch, chủ xe đã gọi điện để hỏi điểm đón, nơi đến, với giá 250 nghìn đồng/lượt cho quãng đường từ Hà Nội lên Yên Bái. Điểm chúng tôi chờ xe là cổng công viên Cầu Giấy, một chiếc xe Inova biển trắng đến đón rất đúng giờ. Tài xế này tự giới thiệu tên Chung, chuyên chạy xe ghép Yên Bái - Hà Nội. Anh Chung thật thà chia sẻ, nhóm của anh có 4 đầu xe từ 4 chỗ đến 7 chỗ, luân phiên chạy vào các giờ cố định trong ngày. Các xe cùng nhận khách và dồn khách cho nhau trong cùng nhóm, chính vì thế khách không phải chờ lâu, quan trọng là cùng gây dựng chất lượng, uy tín để phục vụ lâu dài. “Trước tôi chạy taxi nhưng giờ chuyển sang chạy xe ghép thì lượng khách đều hơn, thu nhập ổn định hơn nhiều”, anh Chung tiết lộ.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các tuyến xe Yên Bái - Hà Nội, đều có từ 4 đến 6 đầu xe thành lập nhóm vận chuyển hành khách. Họ thống nhất với nhau, khi cơ quan chức năng kiểm tra sẽ cùng trả lời rằng đưa người nhà đi du lịch, thăm họ hàng hoặc đi chơi. Một thực tế là, các xe ghép này đều không đăng ký kinh doanh chở khách. Giá từng chuyến đều do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, đương nhiên là không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống. Do đó, việc nở rộ hình thức “xe ghép” bên cạnh mang lại những lợi ích trước mắt cho khách hàng thì vô hình trung dịch vụ này không chỉ làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.
Theo tiết lộ của các tài xế chạy xe ghép thì điều kiện hoạt động loại xe này khá dễ dàng, chỉ cần một chiếc xe, không phải kê khai đăng ký, không nộp thuế, không phải trả trích đóng doanh thu... nên loại dịch vụ xe này ngày càng nhiều. Thực tế là đã có rất nhiều người từng lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe ghép hoặc tự sắm xe làm dịch vụ.
Tiềm ẩn rủi ro và cạnh tranh không lành mạnh
Việc xe ghép xuất hiện ngày càng nhiều khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi như: Liệu đi xe ghép có đảm bảo an toàn không? Vì lái xe là người tự do, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ, bằng lái ra sao. Cùng với đó là việc không lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình theo quy định đối với xe kinh doanh vận tải nên sẽ không có sự theo dõi, kiểm soát tài xế trong quá trình làm việc. Trung tá Trần Quang Vinh, đội tuyên truyền Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết: “Lái xe thường dặn trước với khách là nếu bị hỏi thì nói là người nhà hoặc là đi du lịch để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Ngoài ra, họ có thể hoạt động vào các cung giờ mà lực lượng chức năng ít xuất hiện. Nói chung, họ nghĩ ra các loại chiêu trò để làm sao không bị xử lý”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội cho hay, chính việc không kiểm soát được lái xe có thể dẫn đến rất nhiều rủi ro như: Lái xe có thể sử dụng chất kích thích, cướp của và tấn công tình dục khách hàng,...
Còn ông Lê Tuấn Giang, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái cho rằng, loại hình xe ghép, xe chung, xe kết hợp hiện nay đang phát triển rất mạnh trên địa bàn tỉnh. Do nhu cầu của người dân đi lại liên tỉnh nhiều nên đã tìm đến và sử dụng dịch vụ của loại hình vận tải này. Người dân hiện vẫn chưa ý thức được việc đi loại hình xe này sẽ có thể phát sinh nhiều rủi ro.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Quang, Chánh Thanh tra sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hưng Yên cho hay: Phương tiện mà các tài xế sử dụng để làm dịch vụ “xe ghép” chủ yếu là xe riêng, xe gia đình, không có logo, phù hiệu, không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý. Mặc dù lực lượng thanh tra đã nhiều lần mở chuyên đề, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý loại hình dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến nhưng khi lên xe, hành khách đều được lái xe dặn dò nếu có lực lượng chức năng dừng xe xử lý thì phải trả lời đây là xe gia đình hoặc vẫy đi nhờ. Vì thế, dù có biết chính xác đây là xe đang kinh doanh dịch vụ vận tải nhưng lực lượng chức năng cũng không có bằng chứng để chứng minh những người trên xe là hành khách và cũng không có chứng cứ lái xe có thu tiền của khách nên không thể xử lý được.
Có thể thấy, trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ, loại hình xe ghép này đã núp bóng xe gia đình lại không phải thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Hơn nữa, họ sẽ không có phát sinh gì thêm như bến bãi, vì vậy cung cấp dịch vụ giá rẻ. Đây là nguyên nhân cho việc tạo nên một môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh. Các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống sẽ yếu thế hơn. Đó là chưa kể một khi có sự cố xảy ra trên hành trình thì khó mà tìm được người chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Công Tỵ, giám đốc một công ty vận tải tư nhân chia sẻ, xe khách tuyến cố định phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải, phải chạy theo đúng thời gian, luồng tuyến, lộ trình đăng ký. Trong khi xe ghép, xe tiện chuyến chạy liên tục, đưa, đón khách khắp nội thành Hà Nội, dừng, đỗ bất cứ chỗ nào mà không mất tiền bến bãi, không phải nộp thuế cho Nhà nước nên đi nhanh hơn, tiện hơn mà giá vé chỉ cao hơn vài chục nghìn đồng so với xe khách. Loại hình dịch vụ này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống nói chung và xe khách theo tuyến cố định nói riêng.
Việc mô hình xe ghép phát triển mạnh còn làm thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Như dịch vụ taxi, một xe cá nhân được nhượng lại thương hiệu, logo, bộ đàm của hãng taxi phải nộp ngân sách nhà nước bình quân 5-7 triệu đồng/năm, bao gồm: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, việc sớm đưa loại hình dịch vụ “xe ghép” vào khuôn khổ pháp luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn sử dụng các loại hình dịch vụ vận tải; nên lựa chọn các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải uy tín, được đăng ký kinh doanh đầy đủ vì sự an toàn của bản thân.
(Theo An Ninh Thế Giới)