Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024 (từ 15-17/3), Diễn đàn báo chí toàn quốc với phiên thảo luận thứ 9, chủ đề “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo” đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và cơ quan báo chí.

Uy tín tờ báo, tạo niềm tin về doanh nghiệp và sản phẩm  

Dẫn dắt phiên thảo luận, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, trong kỷ nguyên số, truyền thông số, doanh nghiệp (DN) luôn tìm cách tiếp cận các nền tảng trên không gian mạng để quảng bá, làm nguồn quảng cáo phân tán, không tập trung. Từ đó, dẫn đến nguồn thu của các cơ quan báo chí bị giảm đi và mối quan hệ bền chặt trước đó đang bị đe dọa phá vỡ.

Do đó, theo ông Vinh, câu chuyện thảo luận vấn đề này là tìm các giải pháp để mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí - DN bền vững hơn.

thong tin gia tri.jpg
Hình ảnh tại phiên thảo luận thứ 9 với chủ đề “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”

Đồng tình với nhận định trên, nhà báo Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng, báo chí cần nguồn thu từ quảng cáo để phát triển, DN cần báo chí để quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Theo ông Sơn, mối quan hệ khăng khít đó hiện đang bị tác động bởi các nền tảng trên không gian mạng. “Làm sao để quảng cáo chảy về các cơ quan báo chí chính thống, báo chí sạch, không chảy vào các nền tảng có nội dung độc hại, bất lợi cho xã hội. Giải pháp này cần sự hợp tác giữa DN - báo chí và cả cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Sơn nêu vấn đề.

Ông Sơn cũng chỉ ra một mâu thuẫn khá thú vị, đa số các báo thu tiền quảng cáo nhưng lại ít bỏ tiền ra quảng bá cho chính mình để thu hút độc giả. Nhiều tờ báo có uy tín nhưng khó khai thác được quảng cáo cũng có lý do này.

Báo chí - doanh nghiệp: Cùng mục tiêu, lợi ích chung

Còn bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, cách đây 10 năm, nguồn lực quảng cáo của các DN thường tập trung vào báo chí.

“Nhưng trong kỷ nguyên số, các nền tảng không gian mạng phát triển như vũ bão thì DN có nhiều lựa chọn hơn. Tính hiệu quả được DN đặt lên hàng đầu, vì thế, việc lựa chọn giữa tờ báo uy tín hay các nền tảng không gian mạng có nhiều độc giả để quảng bá là sự cân đo rất kỹ lưỡng của DN”, bà Huệ cho hay.

Trước tác động của các nền tảng không gian mạng, theo bà Huệ, mối quan hệ giữa báo chí và DN phải thay đổi, phải là quan hệ đồng đẳng, tương trợ lẫn nhau. Nghĩa là cùng chung tay, cùng chung mục đích vì sự thịnh vượng chung và sự phát triển của xã hội. Có như vậy, mối quan hệ càng bền chặt hơn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc cao cấp Công ty Mindshare, nền kinh tế đang có chiều hướng đi xuống, chi tiêu của các DN sẽ giảm, trong đó có nguồn lực quảng cáo. Trong tình cảnh đó, theo bà Lan, mối quan hệ không còn đơn thuần là quảng cáo. Mà cần phải phát triển thành mối quan hệ có tính liên kết, đa chiều.

Theo bà Lan, trong tình cảnh hiện nay, khi DN lập kế hoạch truyền thông phải tính đến việc bỏ ra một đồng thì hiệu quả phải mang về giá trị gì?  Còn báo chí lên kế hoạch truyền thông cho DN cũng sẽ tìm về cho mình giá trị lợi ích về tài chính. 

“Cá nhân tôi cho rằng, báo chí cũng phải tư duy mình có sẵn các sản phẩm để thu hút DN tham gia hợp tác và hợp tác đó phải mang lại hiệu quả cho đôi bên”, bà Lan mong muốn.

Chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa báo chí với DN, ông Nguyễn Khoa Mỹ - Chủ tịch Mạng lưới quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR) cho rằng, trong xu thế hiện nay, mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí với DN phải dựa trên sự hợp tác lành mạnh. Nói một cách khác là cùng chia sẻ quan điểm, cùng chung tay thúc đẩy sự thay đổi của các vấn đề chung, như là vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị...

khoamy 2.jpg
Ông Nguyễn Khoa Mỹ chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa báo chí và DN. Ảnh: Nguyễn Huế

“Nghĩa là báo chí và DN trong chừng mực nào đó phải có cùng mục tiêu, lợi ích chung. Hoạt động tuyên truyền của báo chí phải nâng tầm cho DN, góp phần định hình thương hiệu quốc gia. Ngược lại, DN cung cấp nội dung và câu chuyện có giá trị cho báo chí, thúc đẩy mối quan hệ cộng sinh”, ông Mỹ bày tỏ.

Cũng theo ông Mỹ, khi báo chí truyền thông chân thực và minh bạch, sẽ củng cố niềm tin của công chúng, góp phần nâng cao uy thế tổng thể của DN, nâng tầm danh tiếng của quốc gia. Và ngược lại, danh tiếng quốc gia phản ánh sự thành công của DN. Từ đó, giúp Việt Nam nâng cao vị thế toàn cầu, thu hút được lợi thế quốc tế. 

"Nền tảng cho mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là đạo đức"

Tham luận tại diễn đàn, Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá nhận định, có rất nhiều góc nhìn về mối quan hệ giữa báo chí và DN.
“Với cá nhân mình, tôi đúc rút thành hai từ khóa, đó chính là 'thông tin' và giá trị". Thông tin của DN chính là chất liệu mà báo chí muốn khai thác; là đề tài và cũng chính là cảm hứng sáng tạo; là những vấn đề thể hiện góc nhìn, quan điểm của một nhà báo hay một tờ báo về các vấn đề trong xã hội.

nguyen-ba-1-1.jpg
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá trình bày tham luận tại Diễn đàn báo chí. Ảnh: Nguyễn Huế

Với DN, khi hợp tác với báo chí thì thương hiệu sẽ được lan tỏa, uy tín được nâng cao. Từ đó, sẽ giúp khách hàng tiếp cận được thương hiệu, sản phẩm, tầm nhìn sứ mệnh, con đường DN đang đi, khát vọng mà DN hướng tới.

Về giá trị, ông Nguyễn Văn Bá cho rằng, những thông tin này sẽ tạo ra giá trị với báo chí, giúp báo chí thực hiện sứ mệnh của mình trong việc phản ánh chân thực đời sống kinh tế - xã hội. 

Báo chí lan tỏa những câu chuyện, tấm gương về DN để tạo ra một cộng đồng DN hùng mạnh. Chính những DN xuất sắc, có khát vọng sẽ tạo ra khát vọng Việt Nam.

Và khi thương hiệu xuất hiện trên những tờ báo uy tín thì đó không chỉ là cầu nối hiệu quả với khách hàng, đối tác mà còn là sự bảo chứng uy tín và lan tỏa thương hiệu cho DN.  

nguyen ba 5.jpg
Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá (giữa) thảo luận với ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương - Chuyên gia chương trình Google News Intitiative bên lề phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Nguyễn Văn Bá khẳng định, nền tảng cho mối quan hệ giữa báo chí và DN là đạo đức. Đạo đức của doanh nghiệp đó là kinh doanh minh bạch, thượng tôn pháp luật, có đóng góp thực sự cho xã hội. Đạo đức với báo chí đó là thực hiện đúng sứ mệnh và truyền thông mang tính xây dựng, lan tỏa niềm tin và những điều tốt đẹp, để tạo ra sự thịnh vượng chung.

Theo Tổng Biên tập Báo VietNamNet, để mối quan hệ bền vững hơn thì việc hợp tác phải dựa trên sự chủ động và minh bạch. Điều đó giúp nâng cao uy tín của DN cũng như giá trị của cơ quan báo chí.