Giữa lúc đó, từ chiều 6/6/2021, rất nhiều thuê bao di động đã nhận được tin nhắn từ Bộ TT&TT kêu gọi người dân mua vải thiều Bắc Giang trực tuyến và sẽ được giao tận nhà trong vòng 6 đến 48 giờ. 

Sau đó, vải thiều Bắc Giang đã được đưa đến tay người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử như Postmart, Vỏ Sò. Thậm chí, khách hàng tại Đức cũng có thể mua được vải thiều còn tươi ngon, từ lúc đặt hàng đến lúc được giao tận tay chỉ mất 4 ngày.

Kết quả dù trong mùa dịch, nhưng năm 2021 Bắc Giang đã có sản lượng tiêu thụ đạt 215.852 tấn và tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ thuộc lên đến hơn 6.800 tỷ đồng, cao nhất trong những năm trước đó. 

Tôi không cho đó là một hoạt động “giải cứu”, mà đây có thể nói là một cách làm hoàn toàn mới để tiêu thụ nông sản cho những người nông dân. Ở đó nhờ có sự hỗ trợ của các hạ tầng số, nền tảng số, đã giải quyết được bài toán mà bao nhiêu năm vẫn làm đau đầu những người làm kinh tế nông thôn, trong đó đặc biệt là những người làm kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Nền tảng số đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới

Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 23/9/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh kinh tế hợp tác, hợp tác xã cần có cách làm mới, mà ở đây là chuyển đổi số, với trọng tâm là chuyển đổi, thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình vận hành.

Theo Bộ trưởng, khó khăn hiện nay là các hợp tác xã thiếu một hệ thống quản trị hiện đại. Chính vì vậy cần xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả các hợp tác xã. Những tri thức quản trị hiện đại sẽ được lập trình vào nền tảng này. Các hợp tác xã chỉ cần đăng ký tài khoản là có thể sử dụng, mà không phải đầu tư, không phải vận hành hệ thống. 

Làm việc trên nền tảng số các hợp tác xã đã có ngay hệ tri thức quản trị: Quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý lao động. Hệ tri thức này không khác gì hệ tri thức quản trị một doanh nghiệp hiện đại. Và Bộ TT&TT có thể hỗ trợ Liên minh hợp tác xã Việt Nam để phát triển nền tảng quản trị số này. 

Có nền tảng số, có hệ tri thức, từ đó cũng sẽ giải quyết được những khó khăn của bà con nông dân, mà ở đây bắt nguồn từ việc thiếu thông tin. Bởi lúc đó  nông dân có thể hỏi đáp về mọi thứ liên quan đến trồng trọt, canh tác, sâu bệnh. Có thể biết được các thông tin về thị trường giá cả, nhờ có các cơ ở dữ liệu được phân tích, đánh giá, dự đoán cung cầu cho từng loại nông sản được đưa ra.

Và tất nhiên không chỉ có vải thiều, thời gian tới nhiều đặc sản khác của người nông dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cũng sẽ vươn tầm thế giới khi họ có tri thức và thông tin, để tự đưa nông sản của mình lên các nền tảng số.

Xem lại toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại đây.